Hướng dẫn cách viết hàm IF kết hợp hàm VLOOKUP

Hàm IF và hàm VLOOKUP là hai hàm phổ biến trong Excel mà hầu như chúng ta đều biết. Vậy bạn có biết cách kết hợp 2 hàm này trong cùng 1 công thức để tăng hiệu quả không? Hãy cùng Học Excel Online tìm hiểu cách viết hàm IF kết hợp hàm VLOOKUP trong Excel nhé:

Xác định đơn giá sản phẩm khi đơn giá có sự thay đổi theo tháng

Cho bảng dữ liệu như sau:

Trong bảng dữ liệu này chúng ta thấy thời gian phát sinh gồm 2 tháng 4 và 5. Và trong tháng 4, các sản phẩm có 1 đơn giá. Sang tháng 5 đơn giá đó thay đổi theo bảng đơn giá tháng 5. Vậy làm thế nào để xác định được đúng đơn giá theo từng thời điểm phát sinh?

Cách làm là chúng ta phải xác định được tháng của từng lần phát sinh, rồi dựa vào đó để biện luận xem lần phát sinh đó là tháng mấy.

Bước 1: Xác định tháng với hàm MONTH

Hàm MONTH là hàm giúp xác định số tháng trong 1 ô chứa dữ liệu thời gian.

Khi xét MONTH(A2) ta thu được kết quả bằng 4, MONTH(A5) cho kết quả bằng 5

Bước 2: Biện luận bằng hàm IF

Kết quả của hàm MONTH chính là căn cứ để xác định bảng tham chiếu của hàm VLOOKUP. Nếu kết quả bằng 4 thì tham chiếu trong bảng đơn giá tháng 4, kết quả bằng 5 thì tham chiếu trong bảng đơn giá tháng 5.

Vậy nên ta có thể viết:

D2=IF(MONTH(A2)=4,sử dụng vlookup tham chiếu tới bảng tháng 4, sử dụng tham chiếu tới bảng tháng 5)

Ở đây chỉ có tháng 4 hoặc tháng 5, nên chúng ta có thể biện luận theo hướng không phải tháng 4 thì là tháng 5.

Bước 3: Tham chiếu bằng hàm VLOOKUP

Với việc sử dụng bảng tháng 4 để tham chiếu, ta có hàm vlookup như sau:

=VLOOKUP(B2,G3:H7,2,0)

Trong đó:

  • B2 là tên sản phẩm là đối tượng cần tham chiếu
  • G3:H7 là vùng bảng tham chiếu đơn giá tháng 4 (ở đây có thể tính cả dòng tiêu đề là G2:H7 vẫn không sai)
  • 2 là cột kết quả cần tham chiếu, chính là đơn giá của sản phẩm tương ứng
  • 0 là phương thức tham chiếu chính xác theo tên sản phẩm.

Tương tự nếu tham chiếu bảng đơn giá tháng 5 chúng ta có:

=VLOOKUP(B2,J3:K7,2,0)

Bước 4: Kết hợp các hàm trong cùng 1 công thức

Khi xác định được từng hàm riêng lẻ, chúng ta có thể ghép các hàm vào trong công thức theo thứ tự:

D2=IF(MONTH(A2)=4,=VLOOKUP(B2,G3:H7,2,0),VLOOKUP(B2,J3:K7,2,0))

Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý là các bảng tham chiếu đơn giá tháng 4, tháng 5 là những bảng có phạm vi xác định. Nếu tham chiếu tới các vùng bảng này phải cố định tọa độ lại để tránh vùng tham chiếu bị thay đổi

(xem thêm bài: Cách giữ ô tham chiếu cố định trong Excel)

Khi đó công thức sẽ được sửa lại là:

=IF(MONTH(A2)=4,VLOOKUP(B2,$G$3:$H$7,2,0),VLOOKUP(B2,$J$3:$K$7,2,0))

Filldown công thức từ D2 tới D8 chúng ta có kết quả là:

Kết quả đã tạo ra được sự khác biệt trong đơn giá của tháng 4 với tháng 5 rồi.

Như vậy với bất kỳ cách tổ chức dữ liệu nào chúng ta cũng đều có thể tùy biến công thức cho phù hợp để đưa ra được kết quả.

Lưu ý:

Trước khi xây dựng công thức, chúng ta cần phải xác định từng bước, chia nhỏ vấn đề cho rõ ràng. Sau khi đã xác định rõ các hàm cần dùng, vị trí đặt các hàm và làm rõ nội dung từng hàm, chúng ta mới ghép lại vào 1 công thức. Như vậy dù công thức có dài, có phức tạp nhưng chúng ta vẫn có thể hiểu rõ và hoàn toàn hiểu, tự viết lại được.

Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết cùng chủ đề:

Hàm IF lồng ghép, kết hợp nhiều điều kiện trong một công thức duy nhất

Cách sử dụng hàm vlookup kết hợp hàm Match khi tìm theo nhiều cột chứa kết quả

Công thức VLOOKUP nâng cao: lồng vlookup với nhiều tiêu chí, tra cứu hai chiều


Tác giả: duongquan211287

· · ·

Khóa học mới xuất bản