Ứng dụng hàm PV trong Excel để tính toán hiệu quả của các phương án đầu tư

Nếu bạn đang có trong tay 500 – 700tr tiền tiết kiệm và muốn đầu tư vào mảng nào đó, ví dụ bất động sản như mua chung cư cho thuê, mua nhà cho thuê, hoặc chứng khoán, hoặc đơn giản nhất là gửi tiết kiệm … nhưng bạn không biết phương án đầu tư nào hiệu quả, an toàn và đem lại lợi tức cho bạn thì trong bài viết này, mình sẽ hướng dẫn các bạn ứng dụng hàm PV trong Excel để tính toán hiệu quả của các phương án đầu tư.
Hàm PV được hiểu là hàm sử dụng để tính các khoản tiền bạn nhận được trong tương lai về hiện tại chính xác là bao nhiêu tiền sau khi trừ đi các chi phí cơ hội.
Ví dụ mình bỏ ra 100 triệu đầu tư hôm nay, sau một năm mình nhận được 200tr, nếu tính đơn giản thì bạn lãi 100tr, nhưng nếu xét về khía cạnh tài chính thì chưa chính xác, vì bạn đang bỏ qua chi phí cơ hội là số tiền bạn có thể nhận được khi bạn đầu tư đơn giản là gửi ngân hàng với lãi suất 10%. Trong ví dụ này thực lãi của bạn khoảng 90tr chứ không phải 100tr như bạn hình dung.
Hàm PV có cấu trúc như sau:

=PV(Rate, Nper, Pmt, Fv, Type)
Giải thích:

  • Rate: Lãi suất định kỳ.
  • Nper: Tổng số kỳ hạn.
  • Pmt: Là khoản thanh toán cho mỗi thời hạn .
  • Fv: Giá trị niên khoảng trong tương lai hay số dư sau lần thanh toán cuối cùng, bỏ qua đối này thì mặc định là 0.
  • Type: Xác định thời điểm thanh toán. Có hai giá trị 1 và 0. + Nếu Type=1: Thanh toán vào đầu mỗi thời điểm.

+ Nếu Type=0: Thanh toán vào cuối mỗi thời điểm
+ Nếu bỏ qua đối này thì Excel hiểu Type=0.

Ứng dụng hàm trên vào các phương án đầu tư tại đây trong đó ta cần cần tính PV của các khoản thu nhập từ dự án và PV của các khoản chi phí, lấy PV thu nhập trừ đi PV chi phí thì được các kết luận như sau:

1. Phương án đầu tư mua chung cư để cho thuê.

Với số tiền trên bạn mua chung cư tầm 1ty4 là đẹp, vay ngân hàng 700tr lãi 10%, mỗi tháng xì ra 9tr250K trả lãi và gốc trong 10 năm, cho thuê được 10tr/tháng, sau 10 năm may mắn bán chung cư được 2ty5 (Giá Max luôn nhé, vì hiện nay nguồn cung chung cư rất lớn, khả năng tăng giá khó có thể xảy ra được, chưa kể nhà cũ, xuống cấp, khấu hao …) thì 10 năm sau bạn có biết bạn lãi bao nhiêu tiền không? Bạn lỗ 145,5Tr.


2. Phương án mua đất xây nhà cho thuê.
Mua đất xây nhà cho thuê với chi phí tầm 2 tỷ, bạn vay nhà bank 1ty3 trả lãi 10% một năm trong 10 năm, tính ra mỗi tháng bạn phải trả nhà bank khoảng 17tr2, bạn cho thuê mỗi tháng được 20tr, sau 10 năm khu vực nhà bạn dân cư đông đúc, ngõ rộng ô tô vào được, bạn bán được 4 tỷ, tính tất cả thì sau 10 năm bạn lãi được: – 5Triệu 😀,
P/s: Nếu bạn bán căn nhà được 5 tỷ thì bạn lãi 502Triệu, bạn bán 6 tỷ bạn lãi 1ty1, nếu chọn phương án này, bạn phải chắc chắn là bán nhà được trên 5 tỷ thì hãy đầu tư nhé.

3. Phương án đầu tư chứng khoán.
Hiện nay trên thị trường có khá nhiều blue chip trả cổ tức khá cao, tính trên vốn đầu tư nhiều mã được 20%-30% (Tức là bạn bỏ 10K thu về 2K-3K một năm), bạn bỏ 700tr đầu tư, bình quân mỗi tháng bạn sẽ thu về được 14tr5, sau 10 năm bạn bán đi vẫn được 700Tr thì bạn lãi: 804Tr, không may giá cổ phiếu bị giảm và chỉ còn 400Tr thì bạn vẫn lãi: 755Tr nha. Nhưng đời không đẹp như mơ vì chưa chắc mã cổ phiếu trên sẽ đem lại cho bạn khoản lợi tức đều như vậy, nhưng cũng không biết trước được vì nó có thể tăng lên 50% thì sao?

4. Phương án gửi tiết kiệm ngân hàng.
Hàng tháng bạn có khoản lợi tức 4tr và tất nhiên rồi, bạn sẽ bảo toàn được giá trị số tiền của bạn, bạn vẫn thu về được 700Tr ban đầu nhưng bạn không lãi không lỗ.

Trong tất cả các phương án trên, Bách áp dụng lãi suất cho ngân hàng vay là 7%, chi phí cơ hội sử dụng nguồn vốn bằng lãi suất ngân hàng, ngân hàng cho bạn vay là 10%, các khoản đầu tư cuối cùng vẫn mang tiền về cho bạn, chỉ khác một điều so với số tiền bạn bỏ ra trong 10 năm so với khoản bạn thu về hàng năm và vào năm thứ 10 là có sự chênh lệch khá lớn và đó chính là kết quả mình chia sẻ ở trên. Mình còn một lưu ý nữa đó là khoản chênh lệch này phụ thuộc khá nhiều vào số tiền ban đầu bạn bỏ ra và số tiền bạn sẽ thu được sau 10 năm bán đi nhé, hãy cân nhắc lựa chọn phương án tối ưu. 
P/s: Để tính hiệu quả của các phương án đầu tư, bạn cũng có thể ứng dụng hàm NPV, mời bạn tham khảo cách sử dụng hàm NPV tại đây.

Tác giả: dtnguyen (Nguyễn Đức Thanh)

@ Học Excel Online | DTNguyen.business
· · ·

Khóa học mới xuất bản