Năm Nhuận (Leap Year) và những điều thú vị

Bạn có biết

  • Vòng chung kết bóng đá Châu Âu (Cúp Euro) được tổ chức vào năm nhuận kể từ 1960.
  • Thế vận hội mùa hè được tổ chức vào năm nhuận kể từ năm 1896.

Vậy, năm nhuận là gì?

Một năm bình thường của chúng ta có 365 ngày. Và năm nhuận là năm có 366 ngày, và chúng ta có ngày 29 tháng 02, và theo đó nếu bạn được sinh vào ngày này, thì sinh nhật chỉ cần tổ chức 4 năm một lần ;). Nếu bạn muốn cưới vợ vào ngày này, hãy học phép tính sau.

Thế nào là năm nhuận?

  • Năm nhuận là năm chia hết cho 4.
  • Năm chia hết cho 100 thì không tính là năm nhuận (trừ năm chia hết cho 400).

Điều đó có nghĩa là năm 2000 được tính là năm nhuận, nhưng năm 2100 sẽ không được tính là năm nhuận.

Vì sao lại có năm nhuận?

Chu kỳ quay Trái Đất vòng quanh Mặt trời mất 365 ngày và 1/4 ngày (6 giờ) tương dương 365,242375 ngày, nên cứ 4 năm chúng ta sẽ cộng thêm 1 ngày bù vào thời gian dư, gọi là năm nhuận (Dương Lịch). Và theo quy ước, ngày dư đó sẽ tính vào ngày 29 tháng 2.

Như vậy, chúng ta sẽ có 365.25 ngày mỗi năm. Nhưng nếu cứ cộng thêm như vậy khoảng 100 năm, chúng ta sẽ dư ra 1 ngày gây ra sai lệch. Vì vậy, năm chia hết 100 chúng ta sẽ không tính là năm nhuận. Với phép tính này chúng ta có 365,24 ngày mỗi năm, nhưng vậy thì chúng ta sẽ lại thiếu đi (một ngày thiếu đi trong 100 năm, -0,01 ngày mỗi năm).

Và để bù lại ngày còn thiếu, cứ mỗi 400 năm sẽ tính là 1 năm nhuận (một ngày thêm vào sau mỗi 400 năm, tương đương 0,0025 ngày mỗi năm), để chúng ta có kết quả gần đúng nhất với con số vòng quay của Trái đất xung quanh Mặt trời: 365,242375.

Theo nguyên tắc này thì trung bình một năm có 365 + 1/4 − 1/100 + 1/400 = 365,2425 ngày, tức là 365 ngày 5 giờ 49 phút và 12 giây.

Vậy còn năm nhuận Âm lịch tính thế nào?

Khác với Dương Lịch chúng ta dựa vào chu kỳ quay của Trái Đất xung quanh Mặt Trời. Với Âm lịch, người xưa tính chu kỳ quay của Mặt Trăng xung quanh Trái Đất là 29,53 ngày, và một năm có khoảng 354 ngày, so với Dương Lịch chúng ta sẽ thiếu đi 11 ngày, và sau 3 năm chúng ta thiếu đi 33 ngày. Để năm âm lịch không sai lệch dương lịch, cứ 3 năm chúng ta sẽ cộng thêm 1 tháng nhuận vào năm nhuận Âm lịch.

Để tính năm nhuận Âm Lịch, chúng ta lấy năm Dương lịch chia cho 19, nếu phép chia có số dư ra là: 0, 3, 6, 9, 11, 14, 17 thì năm đó là năm nhuận.

Vậy làm sao để tìm được tháng nhuận trong năm nhuận?

Nguyên tắc tính toán cụ thể bạn có thể tham khảo Quy tắc tính âm lịch của Việt Nam qua bài viết của tác giả Hồ Ngọc Đức.

Bạn có thể tải về tham khảo file Excel Lịch Âm Dương của HocExcel.Online tại đây để xem ngày chính xác. Như trong ảnh minh họa bên dưới, năm 2020, chúng ta sẽ có tháng nhuận là tháng 4.

Năm nhuận có liên quan gì đến Excel?

Bạn có biết Microsoft “xác định” thời gian trong năm 1900, trước ngày 1 tháng 3 năm 1900 là năm nhuận (Dương lịch) không? Trong Excel, chúng ta sẽ có ngày 29/2/1900, dù năm 1900 không phải là năm nhuận.

Vì vậy, hàm DATE trong Excel, chúng ta có: =DATE(1900,2,29) sẽ trả về 29/02/1900. Tuy nhiên trong VBA thì hàm DateSerial không tính điều này, DateSerial(1900,2,29) => 1/3/1900. Hoặc hàm EOMONTH để tìm về ngày cuối tháng cũng không tính, lạ kỳ lắm phải không?

Cách tính năm nhuận trong Excel

Bạn có thể dùng logic như sau để tính xem có phải là năm nhuận hay không? Ví dụ, bạn có giá trị ô A1 là: 28/02/1900.

=IF(MOD(YEAR(A1),100)=0,MOD(YEAR(A1),400)=0,MOD(YEAR(A1),4)=0)

Và tương tự, bạn sẽ có cách áp dụng cho VBA cũng như các cách tính khác.

 


Tác giả: d.nguyen

· · ·

Khóa học mới xuất bản