Tìm hiểu lương, thuế thu nhập cá nhân, và công việc của một kế toán lương

Khi còn ngồi trên giảng đường đại học, chắc chắn các bạn sinh viên đôi lần nghĩ về số lương sau này mình nhận được khi đi làm, và Học Excel Online hiểu rằng sau khi kiếm được việc làm, các bạn không ngờ rằng trong “lương” có rất nhiều thành phần khác nhau. Bài viết cung cấp cho các bạn sinh viên đang học hoặc mới tốt nghiệp kiến thức nền về khái niệm lương, cũng như một nghĩa vụ mới của các bạn, đó là đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Thêm vào đó, bài viết đề cập nhanh về vai trò của một kế toán lương. Hy vọng bài viết sẽ hỗ trợ được các bạn sinh viên ngành kế toán.

Lương và thu nhập

Đầu tiên, Học Excel Online giúp các bạn làm quen với hai khái niệm “lương”, đó là “mức lương tối thiểu vùng” và “mức lương cơ sở”.

Lương

Mức lương tối thiểu vùng:

Theo nghị định 157/2018/NĐ-CP, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động ở các vùng khác nhau sẽ nhận được mức lương khác nhau, và nếu các bạn đã qua học nghề, đào tạo nghề thỏa mãn khoản 2, điều 5 của nghị định này, mức lương sẽ được tăng thêm 7%. Các bạn nhìn vào ví dụ phía dưới:

Mức lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất để cơ sở doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương. Do đó, khi doanh nghiệp thỏa thuận sẽ trả cho các bạn một mức lương, các bạn cần đối chiếu với thông tin bên trên để bảo vệ quyền lợi của bản thân.

Mức lương cơ sở

Nếu các bạn định hướng sẽ làm việc trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội và hội, “mức lương cơ sở” là khái niệm mới mẻ mà các bạn cần nắm rõ. Từ ngày 1/7/2018, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng lương theo mức lương cơ sở bằng 1.390.000 đồng/tháng nhân với “hệ số lương hiện hành”.

Dù đã có phần mềm, nhưng kỹ năng Excel vẫn cực kỳ quan trọng với kế toán, bạn đã vững Excel chưa? Hãy để tôi giúp bạn, đăng ký khoá học Excel:

Để biết được hệ số lương hiện hành, các bạn cần biết các bạn thuộc nhóm công chức nào, và có hệ số bậc là bao nhiêu. Sau đó, các bạn sẽ tìm ra được hệ số trong bảng mức lương cơ sở quy định tại Nghị định 72/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1-7-2018). Học Excel Online sẽ trích dẫn hệ số lương với 1 nhóm ngạch để các bạn dễ hiểu hơn:

Thu nhập

Khi các bạn đọc hợp đồng lao động doanh nghiệp muốn ký kết với bạn, có hai trường hợp xảy ra. Thứ nhất, trong hợp đồng chỉ nêu rõ số tiền lương. Với trường hợp này, có thể các bạn sẽ phải tự lo tiền ăn trưa, đi lại. Thứ hai, trong hợp đồng nêu rõ tiền lương và tiền phụ cấp công ty trả cho chi phí đi lại, xăng xe, ăn trưa của các bạn.

Do đó chúng ta sẽ có khái niệm “thu nhập”. Công thức của thu nhập được tóm tắt bằng hình bên dưới:

Học Excel Online đã giải thích khái niệm lương cơ bản và lương cơ sở ở phần bên trên. Các khoản phụ cấp, trợ cấp của mỗi công ty, doanh nghiệp đều khác nhau và được quy định rõ ràng trong các quy chế, và thỏa ước lao động của công ty. Ví dụ, công ty có thể sẽ cung cấp cho nhân viên các phụ cấp về xăng xe, điện thoại, trang phục, chuyên cần, đi lại, sáng kiến, đám hiếu/hỷ, ăn trưa, đưa đón riêng hay các dịch vụ tại trụ sở. Bên cạnh đó, các khoản trợ cấp sẽ được hỗ trợ theo hoàn cảnh và vào thời điểm cần thiết.

Ngoài ra, khi chính thức ký hợp đồng lao động với công ty, các bạn sẽ phải đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) bằng một phần số thu nhập các bạn nhận được từ công ty. Đóng BHXH là bắt buộc và đã được quy định trong luật số 58/2014/QH13 của Luật bảo hiểm xã hội. Trong đó Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Khoản bảo hiểm bắt buộc này bao gồm bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm tự nguyện (BHTN), kinh phí công đoàn (KPCĐ). Theo quyết định 595/QĐ-BHXH, khoản bảo hiểm bắt buộc này sẽ được trích ra dựa trên tổng của lương cơ bản và các phụ cấp có tính bảo hiểm bắt buộc, chúng ta gọi nó là tổng X cho dễ nhớ. Theo đó, nếu các bạn không tham gia công đoàn, các bạn sẽ phải trích 10,5% của X còn doanh nghiệp sẽ trả một khoản bằng 21,5% của X để đóng bảo hiểm bắt buộc cho bạn. Số tiền doanh nghiệp trả cho vai trò này được gọi là “Khoản trích tính vào CPSXKD (chi phí sản xuất kinh doanh)”, theo thuật ngữ của kế toán.

Các bạn hẳn sẽ thắc mắc “Vậy loại phụ cấp nào có tính bảo hiểm xã hội?”. Học Excel Online sẽ giải đáp giúp bạn. Theo thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, các khoản tính đóng và không tính đóng BHXH như sau:

Thuế thu nhập cá nhân

Bên cạnh bảo hiểm bắt buộc, khi chính thức đi làm cho 1 doanh nghiệp, các bạn còn phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Thuế thu nhập cá nhân là khoản tiền thuế mà người có thu nhập phải trích nộp một phần tiền lương hoặc từ các nguồn thu khác vào ngân sách nhà nước sau khi đã tính các khoản được giảm trừ. Theo đó, thuế TNCN được xây dựng trên nguyên tắc công bằng và khả năng nộp thuế. Thuế thu nhập cá nhân không đánh vào những cá nhân có thu nhập thấp, vừa đủ nuôi sống bản thân và gia đình ở mức cần thiết.

Dưới đây là công thức tính “thu nhập tính thuế”:

Với (1), theo Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Điều 15 Thông tư 92/2015/TT-BTC, các khoản giảm trừ gồm:

 

– Giảm trừ đối với người nộp thuế: 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm);

– Giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc: 3,6 triệu đồng/tháng (43,2 triệu đồng/năm);

– Giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện;

– Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

Dựa vào thông tin trên, nếu thu nhập của bạn dưới 9 triệu đồng, thu thập tính thuế của bạn sẽ có kết quả âm. Trong trường hợp đó, bạn không phải đóng thuế. Ví dụ, thu nhập của bạn là 15 triệu đồng, và bạn không có bảo hiểm xã hội, thì phần thu nhập tính thuế sẽ là 6 triệu đồng (15,000,000 – 9,000,000), chứ không phải là toàn bộ 15 triệu đồng. Đây là điểm rất nhiều bạn sinh viên bị nhầm lẫn.

Với (2), các khoản thu nhập không chịu thuế được tóm tắt như sau:

Sau khi đã tính được khoản thu nhập tính thuế, các bạn sẽ nhân kết quả này với thuế suất TNCN để biết mình phải nộp bao nhiêu thuế TNCN. Theo Điều 22 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 sửa đổi, bổ sung, thuế TNCN đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công được áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần gồm 7 bậc với mức thuế suất từ 5-35% đối với từng mức thu nhập tính thuế/tháng, rõ ràng như sau:

Đây là ví dụ về cách tính thuế TNCN:

Sau khi đã tính được thuế TNCN và bảo hiểm bắt buộc, các bạn sẽ dễ dàng tính được thực lĩnh, tức số tiền các bạn sẽ giữ trong ví để tự do chi tiêu.

Để kết lại, khi doanh nghiệp trả cho bạn 1 số tiền nhất định hàng tháng, đó là số tiền đã được doanh nghiệp trừ bảo hiểm bắt buộc và thuế thu nhập cá nhân (trong trường hợp thu nhập tính thuế không âm). Những kiến thức trên Học Excel Online chia sẻ nhằm giúp các bạn hiểu quá trình để công ty đưa ra mức lương doanh nghiệp sẽ trả cho các bạn, cũng như giúp các sinh viên kế toán – tài chính tiếp cận với quy trình tính lương cho người lao động.

Công việc của một kế toán lương là gì?

Dựa vào những kiến thức được cung cấp bên trên, các bạn sinh viên kế toán hẳn đã tưởng tượng ra các bạn sẽ làm gì nếu các bạn là một kế toán lương. Học Excel Online sẽ liệt kê ra những nhiệm vụ chính của một kế toán lương:

  • Tuân thủ nghiêm ngặt chính sách của công ty để tính toán chính xác các khoản tiền lương, phụ cấp, trợ cấp và tiền thưởng trả cho người lao động.
  • Kiểm tra thường xuyên và chặt chẽ việc chấp hành luật lao động, luật bảo hiểm xã hội, quỹ tiền lương, quỹ bảo hiểm, và quỹ kinh phí công đoàn của công ty.
  • Tính toán chính xác các khoản trích vào chi phí sản xuất kinh doanh để trả bảo hiểm dựa trên từng đối tượng.
  • Lập báo cáo về tiền lương, lao động, các loại hình bảo hiểm thuộc phạm vi trách nhiệm của kế toán.
  • Xây dựng thang bảng lương chính xác và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với các cơ quan bảo hiểm và cơ quan thuế.
  • Liên tục cập nhật và nắm rõ khi bộ luật về bảo hiểm, lương, và thuế TNCN được chỉnh sửa.
  • Liên tục rà soát tình hình nhân sự của công ty.

Do đó, nếu các bạn sinh viên muốn trở thành kế toán lương, ngay từ khi còn đi học, các bạn có thể tìm cách để làm quen với:

  • Bảng chấm công
  • Bảng thanh toán lương và bảo hiểm xã hội
  • Biểu mẫu báo cáo bảo hiểm xã hội
  • Báo cáo quyết toán thuế TNCN
  • Bảng lương thanh toán qua ngân hàng
  • Bảng tạm ứng lương nhân viên
  • Bảng kê chi tiết phụ cấp.

Học Excel Online sẽ cùng các bạn làm một số bài tập cơ bản về tính thuế thu nhập cá nhân nhé!

Bài 1:  Tính thuế TNCN của ông Nam dựa trên những điều kiện sau:

  • Thu nhập: 20,000,000 đồng/tháng
  • Không tham gia bảo hiểm (vì đã mua bảo hiểm từ một công ty bảo hiểm khác)

Chú thích: Giảm trừ đối với người nộp thuế: 9 triệu đồng/tháng

Bài 2:  Tính thuế TNCN của ông Quang dựa trên những điều kiện sau:

  • Thu nhập: 30,000,000 đồng/tháng
  • Bảo hiểm bắt buộc: 6,000,000 đồng/tháng

Chú thích: Giảm trừ đối với người nộp thuế: 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); Các khoản bảo hiểm bắt buộc là các khoản không chịu thuế. 

Bài 3:  Tính thuế TNCN của ông Hưng dựa trên những điều kiện sau:

  • Thu nhập: 40,000,000 đồng/tháng (đã bao gồm tiền ăn trưa bằng 730,000 đồng/tháng theo hợp đồng lao động với doanh nghiệp ông Hưng đã ký kết)
  • Có một người phụ thuộc
  • Bảo hiểm bắt buộc: 6,000,000 đồng/tháng

Chú thích: Giảm trừ đối với người nộp thuế: 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); Giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc: 3,6 triệu đồng/tháng (43,2 triệu đồng/năm); Các khoản bảo hiểm bắt buộc là các khoản không chịu thuế. 

Ngoài ra, các bạn có thể tìm hiểu thêm bằng cách tham khảo một số bài viết có chủ đề liên quan:

Xây dựng bảng tính thuế thu nhập cá nhân trên Excel

Kỹ năng cần thiết cho kế toán tiền lương

Chia sẻ kinh nghiệm làm kế toán lương, nhân sự

Những bài viết hay về kế toán tiền lương – hành chính nhân sự

Hướng dẫn cách tính thuế thu nhập cá nhân năm 2018

Những trường hợp nào thì đăng ký thuế TNCN?

Hi vọng toàn bộ bài viết này của Học Excel Online có ích với các bạn!

 Cập nhật:12/02/2019