Hướng dẫn về tài khoản 611 – Mua hàng theo thông tư 200

Thông tư số 200/2014/TT-BTC  được ban hành ngày 22/12/2014, bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2015. Thông tư này hướng dẫn kế toán áp dụng cho những doanh nghiệp lớn. Đây là thông tư được thay thế cho Quyết định 15/2006.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về tài khoản 611 – Mua hàng, được quy định tại điều 83 Thông tư 200:

Nguyên tắc kế toán

a) Tài khoản này dùng để phản ánh trị giá nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hoá mua vào, nhập kho hoặc đưa vào sử dụng trong kỳ. Tài khoản 611 “Mua hàng” chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ.

b) Giá trị nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hoá mua vào phản ánh trên tài khoản 611 “Mua hàng” phải thực hiện theo nguyên tắc giá gốc.

c) Trường hợp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ, doanh nghiệp phải tổ chức kiểm kê hàng tồn kho vào cuối kỳ kế toán để xác định số lượng giá trị của từng nguyên liệu, vật liệu, hàng hoá, sản phẩm, công cụ, dụng cụ tồn kho đến cuối kỳ kế toán để xác định giá trị hàng tồn kho xuất vào sử dụng và xuất bán trong kỳ.

d) Phương pháp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ:

Khi mua nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hoá, căn cứ vào hoá đơn mua hàng, Hoá đơn vận chuyển, phiếu nhập kho, thông báo thuế nhập khẩu phải nộp (hoặc biên lai thu thuế nhập khẩu,…) để ghi nhận giá gốc hàng mua vào tài khoản 611 “Mua hàng”.

Dù đã có phần mềm, nhưng kỹ năng Excel vẫn cực kỳ quan trọng với kế toán, bạn đã vững Excel chưa? Hãy để tôi giúp bạn, đăng ký khoá học Excel:

Khi xuất sử dụng, hoặc xuất bán chỉ ghi một lần vào cuối kỳ kế toán căn cứ vào kết quả kiểm kê.

đ) Kế toán phải mở sổ chi tiết để hạch toán giá gốc hàng tồn kho mua vào theo từng thứ nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hoá.

Kết cấu và nội dụng phản ánh của tài khoản 611 

Bên Nợ:

– Kết chuyển giá gốc hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ tồn kho đầu kỳ (theo kết quả kiểm kê);

– Giá gốc hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ mua vào trong kỳ;

Bên Có:

– Kết chuyến giá gốc hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ tồn kho cuối kỳ (theo kết quả kiểm kê);

– Giá gốc hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ xuất sử dụng trong kỳ, hoặc giá gốc hàng hoá xuất bán (chưa được xác định là đã bán trong kỳ);

– Giá gốc nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hoá mua vào trả lại cho người bán, hoặc được giảm giá.

Tài khoản 611 không có số dư cuối kỳ.

Tài khoản cấp 2

Tài khoản 611 – Mua hàng, có 2 tài khoản cấp 2:

– Tài khoản 6111 – Mua nguyên liệu, vật liệu: Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ mua vào, xuất sử dụng trong kỳ kế toán và kết chuyển giá trị nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ tồn kho đầu kỳ và cuối kỳ kế toán;

– Tài khoản 6112 – Mua hàng hoá: Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị hàng hoá mua vào, xuất bán trong kỳ kế toán và kết chuyển giá trị hàng hoá tồn kho đầu kỳ, tồn kho cuối kỳ kế toán.

Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu

a) Đối với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, xây lắp

Đầu kỳ kế toán, kết chuyển trị giá nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ tồn kho đầu kỳ (theo kết quả kiểm kê cuối kỳ trước), kế toán ghi như sau:

Nợ TK 611 – Mua hàng (6111 – Mua nguyên liệu, vật liệu)

Có TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu

Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ.

– Khi mua nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ thì giá gốc nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ mua vào được phản ánh vào TK 611 không có thuế GTGT, kế toán ghi như sau:

Nợ TK 611 – Mua hàng (giá mua chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

Có TK 331 – Phải trả cho người bán (3311).

– Khi thanh toán tiền mua hàng, nếu được hưởng chiết khấu thanh toán, kế toán ghi như sau:

Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán

Có các TK 111, 112,…

Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính (chiết khấu thanh toán).

– Trường hợp doanh nghiệp mua nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ không đúng quy cách, chủng loại, phẩm chất ghi trong hợp đồng kinh tế, hoặc cam kết phải trả lại cho người bán, hoặc được giảm giá:

+ Căn cứ vào trị giá hàng mua đã trả lại cho người bán, kế toán ghi như sau:

Nợ các TK 111, 112 (nếu thu ngay bằng tiền)

Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán (trừ vào số nợ còn phải trả người bán)

Có TK 611 – Mua hàng (6111) (trị giá NVL, công cụ, dụng cụ đã trả lại người bán)

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có).

+ Nếu doanh nghiệp chấp nhận khoản giảm giá hàng của lô hàng đã mua, số tiền được giảm giá, kế toán ghi như sau:

Nợ các TK 111, 112 (nếu thu ngay bằng tiền)

Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán (trừ vào số nợ còn phải trả người bán)

Có TK 611 – Mua hàng (6111) (khoản giảm giá được chấp thuận)

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có).

– Cuối kỳ kế toán, căn cứ vào kết quả kiểm kê thực tế, kế toán phải xác định trị giá thực tế nguyên liệu, vật liệu tồn kho cuối kỳ và trị giá thực tế nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ xuất vào sử dụng hoặc xuất bán.

+ Kết chuyển trị giá thực tế nguyên liệu, vật liệu, công cụ tồn kho cuối kỳ (theo kết quả kiểm kê), kế toán ghi như sau:

Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu

Nợ TK 153 – Công cụ, dụng cụ

Có TK 611 – Mua hàng (6111).

+ Trị giá thực tế nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ xuất sử dụng cho sản xuất, kinh doanh trong kỳ, kế toán ghi như sau:

Nợ các TK 621, 623, 627, 641, 642, 241,…

Có TK 611 – Mua hàng (6111).

+ Trị giá thực tế nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ thiếu hụt, mất mát, căn cứ vào biên bản xác định thiếu hụt, mất mát chờ xử lý, kế toán ghi như sau:

Nợ TK 138 – Phải thu khác (1381)

Có TK 611 – Mua hàng (6111).

b) Đối với doanh nghiệp kinh doanh hàng hoá

– Đầu kỳ kế toán, kết chuyển giá trị hàng hoá tồn kho đầu kỳ, kế toán ghi như sau:

Nợ TK 611 – Mua hàng (6112)

Có TK 156 – Hàng hoá.

– Trong kỳ kế toán, khi mua hàng hoá nếu được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, căn cứ vào hoá đơn và các chứng từ mua hàng:

+ Trị giá thực tế hàng hoá mua vào, kế toán ghi như sau:

Nợ TK 611 – Mua hàng (6112)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có)

Có các TK 111, 112, 141; hoặc

Có TK 331 – Phải trả cho người bán (tổng giá thanh toán).

+ Chi phí mua hàng thực tế phát sinh, kế toán ghi như sau:

Nợ TK 611 – Mua hàng (6112)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có)

Có các TK 111, 112, 141, 331,…

+ Khi thanh toán trước hạn, nếu doanh nghiệp được nhận khoản chiết khấu thanh toán trên lô hàng đã mua, kế toán ghi như sau:

Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán (khấu trừ vào nợ phải trả người bán)

Có các TK 111, 112,…

Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính.

+ Trị giá hàng hoá trả lại cho người bán, kế toán ghi như sau:

Nợ các TK 111, 112 (nếu thu ngay bằng tiền)

Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán (khấu trừ vào nợ phải trả người bán)

Có TK 611 – Mua hàng (6112) (trị giá hàng hoá trả lại người bán)

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có).

+ Khoản giảm giá hàng mua được người bán chấp thuận do hàng hoá không đúng phẩm chất, quy cách theo hợp đồng, kế toán ghi như sau:

Nợ các TK 111, 112 (nếu thu ngay bằng tiền)

Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán (khấu trừ vào nợ phải trả người bán)

Có TK 611 – Mua hàng (6112)

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có).

– Cuối kỳ kế toán, căn cứ vào kết quả kiểm kê thực tế tính, xác định trị giá hàng tồn kho, trị giá hàng hoá đã gửi bán nhưng chưa xác định là đã bán, trị giá hàng hoá xác định là đã bán:

+ Kết chuyển trị giá hàng hoá tồn kho và hàng gửi đi bán cuối kỳ, kế toán ghi như sau:

Nợ TK 156 – Hàng hoá

Nợ TK 157 – Hàng gửi đi bán

Có TK 611 – Mua hàng.

+ Kết chuyển giá vốn hàng bán, kế toán ghi như sau:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có TK 611 – Mua hàng (6112).

Chúc các bạn học tốt cùng Học Excel Online!