Giáo dục truyền thống và giáo dục hiện đại

Hiện nay, người ta đang nói rằng chúng ta có phương pháp giáo dục hiện đại. Con người ta có rất nhiều quyền, đặc biệt là trẻ em. Giáo dục hiện đại đề cao tính tự do, tự giác và tính chủ động cho người học. Vai trò của người truyền đạt kiến thức bị hạ thấp đi nhiều. Bởi phương pháp, công cụ đưa kiến thức đến với người học rất đa dạng và tiện ích. Học sinh ở một nước kém phát triển, chỉ cần có internet là có thể tiếp cận với những kiến thức từ một nước phát triển, bởi những giáo sư hàng đầu thuyết giảng.

Nhưng có thực sự là giáo dục truyền thống không ưu việt?

Tôi đem thắc mắc này ra để tự hỏi bản thân mình, để đánh giá xem quá trình học tập và rèn luyện của mình đi theo hướng nào: truyền thống hay hiện đại.

Giáo dục truyền thống, theo tôi biết đề cao những giá trị sau, gói gọn bởi 6 chữ: “Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Dũng – Tín”.

Đây là những đức tính của người “Quân tử”, theo quan niệm của Nho giáo, đạo Khổng. 6 chữ trên, không phải giải thích nhiều, hầu như đọc lên ai ai cũng hiểu ý nghĩa của từng chữ là gì. Ở đây chữ “Dũng” là cá nhân tôi đưa lên trước chữ “Tín”, vì tôi thấy muốn giữ được chữ “Tín” thì trước hết người đó phải có được sự “Dũng cảm” trước.

Tầm quan trọng của các yếu tố trên cũng được xếp theo thứ tự khi đọc. Và “Trí” chỉ xếp hàng thứ tư, sau “Nhân-Lễ-Nghĩa”.

Ông bà ta có câu “Tiên họ lễ, hậu học văn” là có ý phải học “Nhân-Lễ-Nghĩa” trước, sau đó mới học “Văn” (tức rèn Trí luyện tài).

Bác Hồ cũng dạy rằng “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Làm việc khó không có nghĩa là vô dụng, vẫn có thể làm được nhưng khó khăn hơn. Còn khi đã trở thành người vô dụng thì chắc chắn không làm được điều gì có ích.

Bởi vậy, người xưa rất coi trọng việc giáo dục đạo đức, văn hóa, lễ nghĩa. Một khi người ta còn chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Đông, một khi còn sống ở phương Đông thì người ta cần phải thấm nhuần tư tưởng đó.

Nhưng thời đại ngày nay, người ta thường quá đề cao tới Trí. Mọi yêu cầu, mọi mục đích trong giáo dục chỉ nhằm đạt được Trí. Học và đỗ đạt kỳ thi, học để có một việc làm tốt, học để hiểu biết hơn người khác. Với họ vậy là đủ.

Và tôi thấy phương châm giáo dục lấy “Trí” làm đầu gây ra hậu quả như bây giờ. Người học mất phương hướng, mất tính chủ động và không có điểm tựa.

Tôi tin giáo dục hiện đại đúng nghĩa cũng không phải là giáo dục đề cao Trí, mà đơn giản là đề cao tính tự chủ, tự giác. Giáo dục hiện đại bắt nguồn từ phương tây. Nơi mà truyền thống, đạo lý không được đề cao bằng sự tự do của một cá thể. Họ không bị ràng buộc gì ngoài mối ràng buộc với nhà nước. Họ tự lập khi trưởng thành, gia đình cũng không trói buộc họ, cha mẹ không đòi hỏi trách nhiệm từ phía họ. Vì thế họ rất cần đào tạo một con người tự do, tự giác và tự biết làm chủ. Nhà nước bảo đảm cho họ những yếu tố khác bằng pháp luật, bằng quy tắc và hình phạt. Vì sự ổn định tương đối đó, họ chỉ thiếu mỗi Tri thức mà thôi.

Còn phía giáo dục truyền thống thì sao? Văn hóa phương Đông đòi hỏi con người phụ thuộc nhiều vào gia đình, vào người đi trước. Mỗi cá thể lớn lên trong gia đình, chịu ảnh hưởng bởi “gia giáo” là chính, chịu trách nhiệm với “gia tộc” là nhiều. Pháp luật không quá chặt chẽ, quan hệ giữa người với người cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi yếu tố “gia giáo”. Giáo dục trong gia đình được đề cao hơn cả. Chính vì thế, con người ta cần được dạy để làm người, hiểu được lễ nghĩa, biết cách ứng xử với nhiều cấp bậc trong mối quan hệ phức tạp. Việc trở thành một con người như thế nào trước tiên phải hoàn thành từ trong gia đình, trước khi đi ra ngoài xã hội.

Giáo dục truyền thống hướng tới việc tạo ra cái “gốc” cho con người. Để khi hình thành cái gốc đó, người ta sẽ vươn cao, vươn xa, đơm hoa kết trái. Giáo dục hiện đại mang một định hướng “gà công nghiệp”. Học xong rồi trở thành một bộ phận của nhà máy, xí nghiệp, để cho các ông chủ tư bản thoải mái bóc lột. Đến khi hết giá trị, người ta lại phụ thuộc vào Nhà nước, nơi mà chịu sự thao túng bởi các ông trùm tư bản.

Mỗi người được quyền lựa chọn hướng đi cho riêng mình. Trên đường đời, người ta tự tìm ra những ngã rẽ phù hợp và tự thấy điều gì là tốt cho bản thân. Nhưng khi suy ngẫm thật sâu về lịch sử và văn hóa, bản thân tôi nhận ra rằng Người xưa đi trước chúng ta nhiều lắm.


Tác giả: duongquan211287

· · ·

Khóa học mới xuất bản