Tính sinh lời và rủi ro của Trái phiếu chuyển đổi (Convertible Bond)

Trái phiếu chuyển đổi có đặc điểm là được trả một mức lãi suất cố định nên có vẻ giống như trái phiếu thường nhưng mặt khác lại có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của công ty và đây chính là điểm hấp dẫn của trái phiếu chuyển đổi.

 

Trái phiếu chuyển đổi là loại trái phiếu mà người nắm giữ có thể chuyển đổi trái phiếu lấy một số lượng cổ phiếu phổ thông của cùng một tổ chức phát hành theo những điều kiện đã được xác định trước trong phương án phát hành.

Trái phiếu chuyển đổi có những đặc điểm sau

Tính sinh lời

Đối với trái phiếu chuyển đổi, mức lợi tức mà nhà đầu tư nhận được trong tương lai được thể hiện ở một trong hai trường hợp sau:

Nếu đến thời hạn chuyển đổi mà trái chủ vẫn không muốn chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu thường thì lợi tức nhận được sẽ bao gồm: lãi suất hàng kỳ mà trái phiếu đó mang lại, chênh lệch giá thu được nếu trái phiếu được bán lại với giá cao hơn mức giá mua vào hoặc có thể là lãi của lãi nếu các khoản lãi định kỳ được trái chủ tái đầu tư.

Mặt khác, nếu tới thời điểm chuyển đổi, trái chủ thực hiện quyền chuyển đổi thì lợi tức mà trái chủ nhận được là lãi định kỳ nhận được cho đến khi chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu và những lợi ích mà cổ phiếu mang lại từ việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu như trái chủ sẽ trở thành cổ đông của công ty, nhận cổ tức từ việc nắm giữ cổ phiếu hoặc lợi nhuận từ việc bán cổ phiếu ra thị trường với giá cao hơn giá chuyển đổi.

Do chứa đựng quyền chuyển đổi sang cổ phiếu nên lãi suất trái phiếu chuyển đổi thường thấp hơn so với các trái phiếu khác cùng kỳ hạn.

Tính rủi ro

Vì trái phiếu chuyển đổi cũng có những đặc tính như trái phiếu thông thường nên cũng chứa ẩn những rủi ro khác nhau:

a. Rủi ro lãi suất

Giá trái phiếu chuyển đổi sẽ biến động ngược chiều với sự thay đổi của lãi suất: khi lãi suất tăng thì giá trái phiếu sẽ giảm; ngược lại khi lãi suất giảm giá trái phiếu sẽ tăng. Nếu nhà đầu tư phải bán trái phiếu trước khi nó đáo hạn trong điều kiện lãi suất tăng lên thì nhà đầu tư đó sẽ bị lỗ vốn, tức là bán trái phiếu đó dưới giá mua. Rủi ro này gọi là rủi ro lãi suất hay rủi ro thị trường. Tất cả các loại trái phiếu chuyển đổi, trừ trái phiếu có lãi suất thả nổi, đều phải chịu rủi ro lãi suất.

b. Rủi ro tái đầu tư

Giả định rằng các dòng tiền nhận được sẽ được tái đầu tư. Khoản thu nhập bổ sung từ khoản tái đầu tư đó còn được gọi là lãi của lãi, phụ thuộc vào mức lãi suất hiện hành tại thời điểm tái đầu tư, cũng như vào chiến lược tái đầu tư. Khả năng thay đổi của lãi suất tái đầu tư của một chiến lược được xác định theo sự thay đổi của lãi suất thị trường, từ đó dẫn tới tính không chắc chắn của lợi tức dự kiến nhận được từ trái phiếu, được gọi là rủi ro tái đầu tư. Đó là rủi ro khi lãi suất để tái đầu tư các dòng tiền giữa kì bị giảm xuống.

Cần lưu ý rằng rủi ro lãi suất và rủi ro tái đầu tư có những hiệu ứng triệt tiêu nhau. Rủi ro lãi suất là rủi ro lãi suất tăng làm giảm giá trái phiếu, còn rủi ro tái đầu tư là rủi ro lãi suất giảm.

c. Rủi ro thanh toán

Rủi ro thanh toán hay còn gọi là rủi ro tín dụng, là rủi ro mà người phát hành trái phiếu có thể vỡ nợ, tức là mất khả năng thanh toán đúng hạn các khoản lãi và gốc của đợt phát hành. Trái phiếu chuyển đổi của các công ty khác nhau sẽ có mức độ rủi ro khác nhau.

Rủi ro thanh toán được xác định bằng mức xếp hạng chất lượng do công ty xếp hạng tín nhiệm ấn định, căn cứ vào những điều khoản trong khế ước vay, khả năng thu nhập và hệ số trang trải nợ, khả năng thanh khoản và trình độ quản lý của công ty phát hành. Tuy nhiên, mức xếp hạng tín nhiệm có thể thay đổi sau khi công ty phát hành, hay nói khác đi là rủi ro thanh toán có thể thay đổi nhanh hơn sự đánh giá của các tổ chức chuyên nghiệp.

d. Rủi ro lạm phát

Rủi ro lạm phát còn gọi là rủi ro sức mua, phát sinh do sự biến động trong giá trị của các dòng tiền mà một trái phiếu chuyển đổi đem lại do lạm phát được đo bằng sức mua.

Ví dụ nếu các nhà đầu tư mua một trái phiếu chuyển đổi có lãi suất là 8%/năm nhưng tỷ lệ lạm phát là 9%, thì sức mua của dòng tiền này thực sự đã giảm sút. Với trái phiếu nào thì nhà đầu tư cũng có nguy cơ phải chịu rủi ro lạm phát bởi lãi suất mà nhà phát hành hứa trả là cố định trong suốt thời hạn của đợt phát hành. Chỉ riêng trái phiếu có lãi suất thả nổi có rủi ro lạm phát ở mức thấp hơn, trong chừng mực lãi suất phản ánh được tỷ lệ lạm phát dự đoán.

e. Rủi ro tỷ giá hối đoái

Khi tỷ giá hối đoái thay đổi theo chiều hướng đồng tiền thanh toán trái phiếu bị giảm giá thì nhà đầu tư nắm giữ loại trái phiếu này sẽ gặp phải rủi ro.

Ví dụ như, nếu trái phiếu được thanh toán bằng đồng Việt Nam, mà đồng Việt Nam lại giảm giá so với đô la Mỹ, thì nhà đầu tư sẽ nhận được ít đô la Mỹ hơn. Đó là rủi ro tỷ giá. Trong trường hợp ngược lại, đồng Việt Nam tăng giá so với đô la Mỹ thì nhà đầu tư sẽ có lợi.

f. Rủi ro thanh khoản

Rủi ro thanh khoản tùy thuộc vào việc trái phiếu có dễ dàng được bán theo giá trị hay gần với giá trị không. Thước đo chủ yếu đối với tính thanh khoản là độ lớn khoảng cách giữa giá hỏi mua và giá chào bán trái phiếu mà nhà giao dịch yết lên. Nếu nhà đầu tư dự định nắm giữ trái phiếu cho tới khi đáo hạn thì rủi ro này không quan trọng lắm.

Ngoài ra Trái phiếu chuyển đổi cũng có hai đặc điểm đáng chú ý sau:

Tính thanh khoản

Tính thanh khoản là khả năng chuyển đổi chứng khoán (trái phiếu) sang tiền mặt. Trái phiếu chuyển đổi có tính thanh khoản tương đối cao vì loại trái phiếu này có nhiều ưu điểm và lợi ích cho nhà đầu tư. Do vậy các nhà đầu tư muốn được sở hữu loại trái phiếu này trong danh mục đầu tư của họ. Thông thường các trái phiếu có thời gian đáo hạn ngắn thì tính thanh khoản thường cao hơn và ngược lại.

Tính có thể chuyển đổi

Tính có thể chuyển đổi của trái phiếu chuyển đổi cho phép trái chủ có quyền (nhưng không bắt buộc) chuyển đổi trái phiếu thành một lượng cổ phiếu thường trong một khoảng thời gian nhất định (tùy từng công ty sẽ có tỷ lệ chuyển đổi và thời gian khác nhau). Đây là một trong những đặc điểm nổi bật và tạo hấp dẫn cho nhà đầu tư. Với đặc tính này của trái phiếu chuyển đổi sẽ giúp cho nhà đầu tư có sự so sánh giữa việc nắm giữ trái phiếu tiếp hay thực hiện chuyển đổi thành cổ phiếu và trở thành cổ đông làm chủ công ty nhằm mục đích thu được lợi nhuận đầu tư cao nhất từ khoản đầu tư ban đầu của mình tùy thuộc vào mục đích nắm giữ cũng như dự đoán tình hình của họ về hoạt động sản xuất kinh doanh của chủ thể phát hành trong tương lai.

Hiệu ứng pha loãng: khi phát hành trái phiếu chuyển đổi nếu các chủ thể phát hành không có các điều khoản liên quan tới việc phát hành thêm hay bổ sung vốn trong thời gian tồn tại của trái phiếu chuyển đổi thì khi thực hiện chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu thường các nhà đầu tư sẽ chịu sự pha loãng cổ phiếu và ảnh hưởng tới giá trị của mình. Tuy nhiên, hiện nay chưa có luật lệ hay chuẩn mực nào để bảo vệ nhà đầu tư cũng như các cổ đông hiện hữu của công ty trước sự pha loãng cổ phiếu cho nên các nhà đầu tư cần quan tâm, chú ý tới hiện tượng này khi quyết định đầu tư vào trái phiếu chuyển  đổi.