Tìm hiểu ý nghĩa của công tác tuyển dụng với công việc hành chính nhân sự

Trong công tác Nhân sự, phần việc nào cũng quan trọng từ viêc Hành chính, đến Tuyển dụng, Đào tạo, Phát triển Văn hóa doanh nghiệp.

Phòng HCNS là vòng tròn về “quá trình làm việc” của người lao động, từ khởi đầu đến kết thúc. Chúng ta chào đón họ và rồi có lúc phải chia tay… Nhưng hơn ai hết, chúng ta cần hiểu rằng, giá trị chúng ta tạo được là niềm tin của người lao động vào Công ty…cho dù là khởi đầu hay kết thúc…

Thường thì nếu chúng ta không sâu với nghề, không thực sự tìm tòi và sáng tạo trong công viêc thì gần như chúng ta cảm thấy chán công việc, vì nó quanh đi quẩn lại chỉ có thế, nhất là một số bạn không thích công tác tuyển dụng. Hãy cùng Học Excel Online lắng nghe 1 số ý kiến về cái “được” của công tác tuyển dụng nhé. Bài viết được chia sẻ bởi chị Nguyễn Xuân, người có 15 năm kinh nghiệm trong công tác tuyển dụng, hiện đang làm giám đốc nhân sự của tập đoàn HMA:

Lợi ích thứ 1: Rèn luyện kỹ năng giao tiếp

Giao tiếp có hiệu quả là giao tiếp đạt được mục đích có lợi cho cả hai bên. Trong công tác tuyển dụng, chúng ta thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều ứng viên, với nhiều trình độ khác nhau. Do đó càng tiếp xúc nhiều, chúng ta càng được nâng cao kỹ năng giao tiếp.

Việc giao tiếp có thể qua nhiều hình thức: Email, điện thoại, nói chuyện trực tiếp. Mỗi hình thức lại đòi hỏi những kỹ năng khác nhau. Việc giao tiếp qua điện thoại sẽ rất khác so với nói chuyện trực tiếp, khi phải mặt đối mặt với đối tượng giao tiếp. Do đó kỹ năng viết email, cách thức gọi điện thoại, trả lời điện thoại, cách truyền đạt thông tin khi nói chuyện trực tiếp… là những cái chúng ta học được thông qua việc tuyển dụng. Những điều này đều có ích trong mọi công việc khác trong xã hội, không chỉ riêng với hành chính nhân sự.

Lợi ích thứ 2: Rèn luyện kỹ năng đàm phán và thuyết phục

Muốn tuyển dụng được nhân sự cho công ty, đặc biệt là những nhân sự giỏi, chúng ta cần phải dựa vào kỹ năng thuyết phục và đàm phán.

Không phải lúc nào họ cũng sẵn sàng vào làm việc ở môi trường công ty chúng ta. Do đó cần phải đàm phán, giải thích những thắc mắc, cân đối các mức lợi ích, mức lương phù hợp để khiến họ thấy hứng thú với công việc. Mặt khác kỹ năng đàm phán còn dùng để lọc, loại bỏ những nhân sự không phù hợp, nhân sự “có nhiều” người phù hợp nhưng “chỉ được chọn 1”.

Việc thuyết phục cũng cần khéo léo: tạo hứng thú và mong muốn làm việc với người phù hợp, tránh để mất lòng, tự ti với những nhân sự không phù hợp, hoặc buộc phải loại bỏ.

Lợi ích thứ 3: Rèn luyện kỹ năng phân tích, đánh giá, tổng hợp

Mỗi ứng viên đều có rất nhiều thông tin cần phải phân tích và đánh giá. Thông tin dựa trên CV, thông tin nhận được qua cách họ trả lời email, qua cách trả lời điện thoại, qua phỏng vấn trực tiếp…

Ngoài ra không chỉ có 1 ứng viên, mà mỗi lần tuyển dụng sẽ có thể có một lượng lớn ứng viên muốn đăng ký vào vị trí đó. Vì vậy cần phải phân tích, đánh giá, tổng hợp tất cả các thông tin có được để có thể đưa ra quyết định: ứng viên nào phù hợp, phải loại bỏ ứng viên nào.

* Lưu ý: Tránh thiên vị và cảm xúc cá nhân trong việc này. Nên làm một cách khách quan và công bằng.

Lợi ích thứ 4: Rèn luyện khả năng “đọc vị”

“Đọc vị” chính là dự đoán với tỷ lệ chính xác cao. Việc đoán biết người đối diện đang nghĩ gì, mong muốn gì, có năng lực gì… trên cơ sở nắm bắt tâm lý của họ sẽ giúp cho người làm công tác tuyển dụng có thể lựa chọn ra được ứng viên phù hợp. Tuy nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng chắc chắn với khả năng đọc vị của mình. Phải thường xuyên luyện tập khả năng này, luôn có sự kiểm tra, đối chiếu với thông tin thu được từ những nguồn khác để có thể đưa ra được những dự đoán có tỷ lệ chính xác cao.

* Lưu ý: không quá đề cao khả năng “đọc vị” mà chỉ sử dụng như 1 kênh tham khảo thêm thông tin.

Lợi ích thứ 5: Rèn luyện kỹ năng viết

Kỹ năng viết thể hiện qua việc viết email, viết tin tuyển dụng, xây dựng các văn bản, hợp đồng, quy chế trong doanh nghiệp. Đây là kỹ năng rất quan trọng, tương tự như kỹ năng giao tiếp. Kỹ năng này thể hiện sự chặt chẽ trong tư duy logic, trong việc kết nối câu từ để thể hiện nhất quán 1 nội dung cụ thể. Trong mọi công việc đều cần tới kỹ năng viết. Do đó rèn luyện kỹ năng viết luôn luôn cần thiết.

Lợi ích thứ 6: Thu thập và đánh giá thông tin thị trường lao động

Đây là điều mà chỉ có những ai làm về nhân sự mới biết, mới nhận thấy tầm quan trọng của nó. Hiểu về thị trường lao động giúp chúng ta có thể xây dựng được những chính sách phù hợp nhằm thu hút được nhân sự phù hợp, có năng lực, định vị được vị trí của doanh nghiệp.

Thông tin thị trường bao gồm: mức lương ngành nghề, thông tin về các đối thủ, mức ưu đãi, trợ cấp, thưởng…

Lợi ích thứ 7: Có sự kết nối đặc biệt với nhân viên, hiểu nhân viên và linh hoạt xử lý các vấn đề với người lao động…

Công việc nhân sự là kết nối giữa các bộ phận, giữa ban giám đốc với nhân viên cấp dưới. Hầu hết mọi vấn đề liên quan tới tinh thần làm việc, tâm lý nhân viên đều thông qua bộ phận nhân sự. Do đó trong quá trình làm việc, chúng ta được tương tác nhiều hơn, va chạm với đủ các nhân sự, đủ các vấn đề, giúp chúng ta linh hoạt hơn trong việc xử lý vấn đề.

Lợi ích thứ 8: Giúp đỡ cho những người chưa có việc làm tìm thấy việc.

Dễ thấy vai trò tuyển dụng có thể giúp đỡ cho người chưa có việc có thể tìm thấy công việc phù hợp. Một lợi thế nữa là người làm nhân sự có thể tham gia cộng đồng những người cùng làm nghề này. Do đó họ có thể biết thêm nhu cầu tuyển dụng của những nơi khác nữa. Việc đó làm tăng khả năng tuyển dụng, mở rộng nhu cầu tìm người phù hợp cho các vị trí công việc.

Lợi ích thứ 9: Nắm bắt được toàn bộ công việc của các vị trí khác trong công ty

 

Quá trình làm việc của nhân sự đòi hỏi chúng ta phải đánh giá được kết quả làm việc, hiệu quả, năng suất lao động của tất cả từng nhân sự trong mỗi bộ phận. Do đó chúng ta có lợi thế là nắm bắt được toàn bộ công việc của các vị trí trong công ty. Điều này giúp chúng ta dễ thích nghi, dễ nắm bắt được công việc dù trong bất kỳ công ty nào.

Như vậy các bạn có thể thấy rất nhiều lợi ích khi làm công tác nhân sự phải không nào. Tuy nhiên để làm tốt công việc này đòi hỏi chúng ta phải có kiến thức tốt, biết sử dụng Excel để tạo ra các chương trình quản lý công việc nhằm tăng hiệu quả. Hãy tìm hiểu thêm những kiến thức này qua một số bài viết sau:

Hướng dẫn cách tạo bảng chấm công trên Excel chi tiết nhất

Kỹ thuật xử lý dữ liệu máy chấm công bằng excel