Những lưu ý khi ký hợp đồng thử việc – học việc đúng luật lao động

Thử việc là 1 quá trình mà hầu hết những ai mới đi làm đều phải trải qua. Nhưng bạn có biết thử việc trong thời gian bao lâu thì đúng luật không? Liệu tổng thời gian từ lúc Bắt đầu vào 1 công ty tới khi được nhận làm chính thức mất 90 ngày có phạm luật không? Chúng ta cần chú ý những gì khi ký hợp đồng thử việc, học việc? Hãy cùng Học Excel Online tìm hiểu những nội dung này nhé.

Quy định về hợp đồng thử việc

Trong Luật lao động 2012 tại điều 27 có quy định về hợp đồng thử việc như sau:

  • Chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc;
  • Đảm bảo thời gian thử việc tối đa như sau:

1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác;

  • Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó;

Vì vậy khi chúng ta vào làm thử việc tại 1 công ty nào đó và có ký hợp đồng thử việc, cần hết sức chú ý nội dung này.

Nhưng có 1 số công ty hay nói với người lao động rằng: Thời gian thử việc 3 tháng. Vậy có đúng luật không? Nội dung này cần được hiểu như sau:

  • Thứ 1: Nếu trên hợp đồng thử việc ghi rõ Thời gian thử việc 3 tháng (hay 90 ngày) là sai, vi phạm luật lao động.
  • Thứ 2: Có thể thỏa thuận với người lao động về Học việc 1 tháng, thử việc 2 tháng, tổng cộng thời gian là 3 tháng.

Một lưu ý nữa là Luật lao động quy định không quá 60 ngày, nhưng đó là ngày lao động thực tế, không bao gồm ngày nghỉ tuần. Do đó có thể tính nhẩm như sau:

  • Công ty áp dụng thời gian làm việc 1 tuần 5 ngày, nghỉ thứ 7 và chủ nhật. Khi đó tổng thời gian thử việc là 60/5 = 12 tuần (gần 3 tháng)
  • Công ty áp dụng thời gian làm việc 1 tuần 6 ngày, nghỉ chủ nhật. Khi đó tổng thời gian thử việc là 60/6 = 10 tuần (khoảng 2 tháng rưỡi)

Khi giải thích cho người lao động hiểu rõ về thời gian thử việc sẽ hơi phức tạp, mất thời gian; do đó người ta hay nói tắt là thử việc 3 tháng. Nhưng khi ký kết hợp đồng thử việc, trên hợp đồng chỉ ghi là Thời gian thử việc: Không quá 60 ngày.

Học việc và thử việc, hiểu thế nào cho đúng

Bởi rất nhiều người khi mới bước vào thị trường lao động chưa hiểu rõ công việc trong thực tế. Do đó cần được công ty đào tạo lại, lúc đó mới có thể tham gia công việc được. Đó là thời gian học việc.

Không có quy định cụ thể về thời gian học việc. Nhưng bắt buộc học việc phải diễn ra trước thử việc. Và thời gian thử việc tối đa là 60 ngày do đó thông thường thời gian học việc chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng hoặc 2 tháng. Nếu thời gian học việc quá lâu, doanh nghiệp sẽ mất thời gian và chi phí một cách không hiệu quả.

Khi hết thời gian học việc, người lao động sẽ được thử việc. Đây là quá trình làm thử, đánh giá năng lực, ý thức kỷ luật, sự thích nghi với môi trường mới. Khi trong thời gian thử việc thì sẽ nằm trong phạm vi quy định của Luật lao động.

Kết luận

Cho đến nay (năm 2018) chưa thấy có văn bản nào hướng dẫn thời gian thử việc quy định (60 ngày hoặc 30 ngày) là tính cả ngày nghỉ (thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ Tết) hay chỉ tính ngày làm việc bình thường. Vì vậy, khi làm hợp đồng lao động, có cơ quan, doanh nghiệp ghi rõ thời gian thử việc là ngày làm việc, nhưng cũng có nơi ghi là bao gồm ngày nghỉ hàng tuần, ngày lễ, Tết… Cũng có nhiều cơ quan, doanh nghiệp tính thời gian thử việc theo kiểu “trọn tháng”, tức thời gian thử việc là một tháng (đối với quy định không quá 30 ngày), hay hai tháng (đối với quy định không quá 60 ngày)…

Ngoài ra có thể thêm nội dung về thời gian học việc trong hợp đồng thử việc để làm rõ hơn tổng số thời gian người lao động làm việc tại doanh nghiệp.

Nguồn tham khảo: Luật lao động 2012