Thuế GTGT (giá trị gia tăng) là một cụm từ mà hẳn các bạn sinh viên tiếp xúc rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Nếu các bạn là các sinh viên ngành kế toán, tài chính, cụm từ này sẽ còn đi cùng các bạn trong nhiều năm tới qua quá trình làm việc. Khi làm kế toán ở bất cứ một doanh nghiệp nào, kế toán viên chắc chắn sẽ phải làm việc nhiều với thuế GTGT. Giải quyết các nghiệp vụ, hạch toán liên quan đến thuế GTGT ảnh hưởng đáng kể đến tình trạng hoạt động của doanh nghiệp. Học Excel Online cho rằng làm việc với thuế GTGT không phải một việc đơn giản. Do đó, Học Excel Online sẽ cung cấp cho các bạn một nền tảng kiến thức cơ bản, nhưng chắc chắn và hữu ích về thuế GTGT. Đây là chủ đề phức tạp nên chủ đề sẽ được chia thành nhiều bài viết nhỏ.
Xem nhanh
Thuế giá trị gia tăng (VAT) là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Tiền thuế được cấu thành trong giá cả hàng hóa và dịch vụ, người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế, người nộp thuế chỉ là người thay thế người tiêu dùng thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước. Đó là lý do mà thuế GTGT được gọi là thuế gián thu. Thuế giá trị gia tăng có phạm vi tác động rộng, đánh vào hầu như tất cả hàng hóa dịch vụ trên thị trường. Ở một số quốc gia như Úc và New Zealand, VAT được gọi là GST (good and services tax).
Đối tượng chịu thuế VAT là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam, trừ đối tượng không chịu thuế được quy định tại Luật số 13/2008/QH12. Các bạn có thể đọc qua bài này nếu tò mò về những đối tượng không chịu thuế GTGT ở Việt Nam từ năm 2019 nhé.
Ăn uống tại nhà hàng là sử dụng dịch vụ, hàng hóa thuộc đối tượng chịu VAT theo quy định nêu trên nên phải chịu thuế. Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì “khi bán hàng hóa, dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn”. Theo khoản 1 Điều 16 Nghị định này, chỉ không phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần, trừ trường hợp người mua yêu cầu nhận hóa đơn.”
Mình từng thắc mắc là tại sao ở mỗi sản phẩm, dịch vụ, nhà nước đều yêu cầu người sử dụng phải nộp thuế. Để dễ hiểu, việc nhà nước thu thuế là để đảm bảo nguồn thu của ngân sách Nhà nước, điều tiết kinh tế vĩ mô và giúp thực hiện công bằng xã hội. Cũng giống như các loai thuế khác, bạn nộp thuế như một cách bạn để tiền vào một hộp lớn chung, và nhà nước sẽ dung số tiền trong hộp lớn đó để chi trả cho những công việc mang tính chất quốc gia như xây dựng nhà vệ sinh công cộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, hiện đại hóa quy mô quân sự,…
Căn cứ tính thuế giá trị gia tăng là giá tính thuế và thuế suất.
Trong đó, theo điều 7 13/2008/QH12 của Quốc hội Luật Thuế giá trị gia tăng, giá tính thuế được quy định như sau:
1. Giá tính thuế được quy định như sau:
a) Đối với hàng hoá, dịch vụ do cơ sở sản xuất, kinh doanh bán ra là giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng. Đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán đã có thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng chưa có thuế giá trị gia tăng;
b) Đối với hàng hóa nhập khẩu là giá nhập tại cửa khẩu cộng với thuế nhập khẩu (nếu có), cộng với thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có). Giá nhập tại cửa khẩu được xác định theo quy định về giá tính thuế hàng nhập khẩu;
c) Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi, tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng cho là giá tính thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này;
d) Đối với hoạt động cho thuê tài sản là số tiền cho thuê chưa có thuế giá trị gia tăng;
Trường hợp cho thuê theo hình thức trả tiền thuê từng kỳ hoặc trả trước tiền thuê cho một thời hạn thuê thì giá tính thuế là tiền cho thuê trả từng kỳ hoặc trả trước cho thời hạn thuê chưa có thuế giá trị gia tăng;
Trường hợp thuê máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải của nước ngoài loại trong nước chưa sản xuất được để cho thuê lại, giá tính thuế được trừ giá thuê phải trả cho nước ngoài;
đ) Đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp, trả chậm là giá tính theo giá bán trả một lần chưa có thuế giá trị gia tăng của hàng hoá đó, không bao gồm khoản lãi trả góp, lãi trả chậm;
e) Đối với gia công hàng hoá là giá gia công chưa có thuế giá trị gia tăng;
g) Đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt là giá trị công trình, hạng mục công trình hay phần công việc thực hiện bàn giao chưa có thuế giá trị gia tăng. Trường hợp xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị thì giá tính thuế là giá trị xây dựng, lắp đặt không bao gồm giá trị nguyên vật liệu và máy móc, thiết bị;
h) Đối với hoạt động kinh doanh bất động sản là giá bán bất động sản chưa có thuế giá trị gia tăng, trừ giá chuyển quyền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước;
i) Đối với hoạt động đại lý, môi giới mua bán hàng hoá và dịch vụ hưởng hoa hồng là tiền hoa hồng thu được từ các hoạt động này chưa có thuế giá trị gia tăng;
k) Đối với hàng hoá, dịch vụ được sử dụng chứng từ thanh toán ghi giá thanh toán là giá đã có thuế giá trị gia tăng thì giá tính thuế được xác định theo công thức sau:
Học Excel Online có ví dụ như sau:
Bạn thanh toán một bữa ăn với giá 350,000 VNĐ, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng và mức thuế suất của loại hàng hóa, dịch vụ này là 10%. Vậy giá của bữa ăn khi chưa bao gồm thuế GTGT là:
Điều 8 tại luật này cũng đã nêu rất rõ các quy định về thuế suất của thuế GTGT, cụ thể như sau:
1. Mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế và hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều 5 của Luật này khi xuất khẩu, trừ các trường hợp chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài; dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài; dịch vụ cấp tín dụng, chuyển nhượng vốn, dịch vụ tài chính phái sinh; dịch vụ bưu chính, viễn thông; sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa qua chế biến quy định tại khoản 23 Điều 5 của Luật này.
2. Mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ sau đây:
a) Nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt;
b) Phân bón; quặng để sản xuất phân bón; thuốc phòng trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng;
c) Thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác;
d) Dịch vụ đào đắp, nạo vét kênh, mương, ao hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp;
đ) Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản chưa qua chế biến, trừ sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật này;
e) Mủ cao su sơ chế; nhựa thông sơ chế; lưới, dây giềng và sợi để đan lưới đánh cá;
g) Thực phẩm tươi sống; lâm sản chưa qua chế biến, trừ gỗ, măng và sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật này;
h) Đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn;
i) Sản phẩm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, rơm, vỏ dừa, sọ dừa, bèo tây và các sản phẩm thủ công khác sản xuất bằng nguyên liệu tận dụng từ nông nghiệp; bông sơ chế; giấy in báo;
k) Máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, bao gồm máy cày, máy bừa, máy cấy, máy gieo hạt, máy tuốt lúa, máy gặt, máy gặt đập liên hợp, máy thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, máy hoặc bình bơm thuốc trừ sâu;
l) Thiết bị, dụng cụ y tế; bông, băng vệ sinh y tế; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; sản phẩm hóa dược, dược liệu là nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh;
m) Giáo cụ dùng để giảng dạy và học tập, bao gồm các loại mô hình, hình vẽ, bảng, phấn, thước kẻ, com-pa và các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học;
n) Hoạt động văn hoá, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim;
o) Đồ chơi cho trẻ em; sách các loại, trừ sách quy định tại khoản 15 Điều 5 của Luật này;
p) Dịch vụ khoa học, công nghệ theo quy định của Luật khoa học và công nghệ.
3. Mức thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ không quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Sau khi đã nắm được căn cứ tính thuế và thuế suất, làm thế nào để tính thuế giá trị gia tăng, đây là một phần dài và phức tạp. Học Excel Online sẽ giới thiệu cho các bạn một điểm chính trước khi để các bạn nghỉ ngơi, không bị ngợp và hẹn gặp lại các bạn ở bài viết sau:
Có 2 phương pháp tính thuế giá trị gia tăng, đó là phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng và phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng. Đối tượng áp dụng của hai phương pháp này như sau:
Bài viết ngay sau sẽ làm rõ sự khác nhau của hai phương pháp tính thuế, cũng như minh họa kỹ cho các bạn về phương pháp khấu trừ thuế GTGT, và nó liên kết với nghiệp vụ của một kế toán như thế nào nhé.
Hẹn gặp lại các bạn sớm!