7 năm trước, tôi cũng như các bạn, cầm tấm bằng trên tay và bước vào trường đời. Khi đó tôi có một tâm trạng duy nhất: muốn thử sức mình để kiếm tiền. Không phải tôi ham hố tiền bạc, mà bởi vì tới khi đó, hơn hai chục tuổi đời rồi mà tôi chưa tự kiếm được đồng nào cho mình, chưa từng làm cái gọi là “công việc được trả lương”. Phải nói là tôi chỉ biết có học. Từ lúc cắp sách tới trường cho tới khi ra khỏi cánh cổng trường đại học tôi chỉ biết có mỗi việc “đi học”. Và tôi rất háo hức khi nghĩ về viễn cảnh có một công việc phù hợp với ngành học, có một mức lương ổn định để khỏi phải ngửa tay xin tiền gia đình, được thể hiện năng lực bản thân để bõ công “đi học”. Khi đó lần đầu tôi biết tới cảm giác “xin việc làm“.
Xem nhanh
Quả thực lúc đó tôi thấy xin việc khó vô cùng. Có khối thứ phải làm khi chuẩn bị hồ sơ xin việc như:
Không chỉ khó ở việc nộp hồ sơ, tôi còn chưa có chút kinh nghiệm làm việc nào cả. Mà trên các tin tuyển dụng thì hầu hết đều yêu cầu kinh nghiệm, ít thì 1 năm, nhiều thì 3-5 năm. Trời ạ thế sinh viên ra trường phải làm gì để có kinh nghiệm? Chả nhẽ thất nghiệp 1-3 năm rồi lúc đó có cái “kinh nghiệm thất nghiệp” à? Đây quả là bài toán khó với tôi lúc bấy giờ. Giống kiểu “con gà có trước hay quả trứng gà có trước”, cứ loay hoay mà ko biết lối ra ở đâu cả.
Mà cuộc chiến xin việc đâu chỉ có thế, người ta còn phỏng vấn nữa. Nếu trong trường đại học, việc thi vấn đáp khiến sinh viên trượt như được mùa chuối thì xin thưa với bạn rằng đi phỏng vấn còn kinh khủng hơn thế nhiều. Thi vấn đáp thì chỉ thi trong môn bạn học, trong đề cương bạn được ôn, còn phỏng vấn thì toàn hỏi cái mà có khi tôi còn chưa nghe bao giờ, chưa tự trả lời bao giờ, ví dụ như “nếu ngày mai trúng số 1 tỷ thì bạn sẽ làm gì?”. Biết trả lời thế nào cho vừa lòng mấy nhà tuyển dụng khó tính này hả giời? Có trường nào dạy sinh viên cái này bao giờ đâu mà phỏng vấn lại hỏi?
Giờ nhớ lại tôi vẫn không hiểu sao mình sống sót qua cái thời kỳ hỗn mang đó.
Chắc bạn lại nghĩ ‘Vừa bảo khó xong giờ lại bảo dễ, chắc người viết bài có vấn đề về thần kinh rồi cũng nên‘. Quả thật nếu không có “vấn đề thần kinh” thì tôi sẽ mãi lẹt đẹt đến tận bây giờ. Để có thể biến một thứ mà “khó” trở thành “dễ”, phải thay đổi rất nhiều về quan điểm sống, tư duy, kiến thức, rèn luyện, kiên trì… Đó là một cuộc ‘tôi luyện’ cho bộ óc. Qua quá trình đó thì 1 là thành công, 2 là thành nhân, mà không phải hai điều trên thì cũng thành công nhân, tức là chả cần học đại học cũng làm được – quá dễ đúng không nào.
Khi đã đứng vững chân trên trường đời, đã nếm trải nhiều cay đắng, ngọt bùi, tôi nhận bây giờ xin việc quả thực rất dễ. Dễ tới mức ai cũng biết mà chả ai chịu làm, bởi họ không tin là dễ đến thế.
Thứ 1: Xin việc chỉ khó khi bạn đi theo đám đông đang thất nghiệp.
Trước giờ chúng ta thường có suy nghĩ “đám đông thường đúng” và ném mình vào đám đông, để họ cuốn ta theo. Nhưng như thế có khác gì đem con bỏ chợ? Bạn có thể tài giỏi, có ưu điểm, nhưng nếu bạn cứ đứng lẫn vào đám đông toàn kẻ yếu kém thì thật khó để người ta nhận ra bạn. Tại sao bạn cao hơn người khác mà lại phải gập đầu gối để bằng mọi người, để rồi than trách vì không ai nhận ra bạn trong đám đông đó.
Trong Excel có một công cụ rất hay là “bộ lọc – Filter”, nhưng bộ lọc chỉ giúp lọc ra những đối tượng có sự khác biệt, có dấu hiệu nhận biết. Nếu bỏ qua các dấu hiệu đó thì sẽ không lọc ra kết quả gì. Ai có thể ngồi cả ngày để dò tìm từng đặc điểm của mỗi đối tượng? Cuộc đời cũng thế, chẳng nhà tuyển dụng nào tốn công “mò kim đáy bể”. Họ có những bộ lọc, có những tiêu chuẩn lọc ứng cử viên. Và nếu chỉ cần bạn đứng tách ra khỏi đám đông thất nghiệp thì bạn sẽ dễ được họ chú ý tới.
Cách gì để tách ra khỏi đám đông thất nghiệp? Đó là có 1 công việc để làm.
Đùa nhau à?
Không, hoàn toàn chân thành. Bạn nghĩ “công việc” là gì? là làm thuê cho kẻ khác để được trả tiền, hay là để bạn thể hiện bản thân, khẳng định giá trị của mình? Tôi cho rằng “công việc” là yếu tố “thể hiện bản thân”. Dù được trả lương hay không thì mỗi khi bạn thể hiện mình có “giá trị” thì đều là đang làm việc. Nếu bạn không làm vậy thì dù bạn có được trả tiền cho việc “ngồi chơi xơi nước” thì cũng đâu ai nói bạn đang làm việc đâu, đúng không nào?
Để làm được điều đó, trước hết phải thay đổi quan niệm về “công việc”.
Thứ 2: Nhận ra giá trị bản thân
Xin việc làm, đó chính là việc bạn rao bán khả năng lao động của chính mình. Và muốn bán được hàng, bạn phải biết giá của mặt hàng muốn bán là bao nhiêu. Nếu người bán không có giá thì thử hỏi ai dám mua?
Cái khó của tìm việc làm, đó là tìm được một công việc phù hợp. Phù hợp ở đây có nhiều tiêu chuẩn và mức độ, nhưng thể hiện rõ nhất qua “mức lương, mức thu nhập”, hay nói cách khác là giá của sức lao động mà bạn bán được. Thị trường lao động là thị trường thuận mua vừa bán, có người bán đắt, có người bán rẻ, nhưng đều theo nguyên tắc chung: bạn đồng ý bán và người khác đồng ý mua, chẳng ai ép buộc được ai cả.
Vậy nên sẽ rất khó nếu bạn không xác định được “mình đáng giá bao nhiêu”. Đáng ra đó phải là điều quan trọng nhất khi bước ra trường đời, là điều cần được đánh giá kỹ lưỡng nhất, thì lại rất ít người quan tâm.
Nếu chưa biết giá trị của bản thân, bạn hãy tìm hiểu một vài công việc đang có mức lương ra sao nhé:
Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao có sự phân hóa mức lương? Tại sao cùng 1 công việc mà có người được trả lương cao, thu nhập cao hơn người khác? Lương của bạn do ai trả? Với những người đã từng “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” trên trường đời, họ sẽ trả lời bạn ngay: Lương của tôi do chính tôi trả. Sức lao động của tôi đáng giá xxx, nếu không ở mức đó tôi sẽ đi làm ở nơi khác.
Tại sao họ lại tự tin đến vậy? Bởi họ biết mình đáng giá bao nhiêu. Giá trị sức lao động cho công việc đó thị trường chung đang trả bao nhiêu, họ được trả bao nhiêu.
Bạn có chấp nhận làm 8 tiếng/ngày với mức lương 20.000/h, 1 tuần làm 6 ngày (tổng thu nhập khoảng 4 triệu / tháng)? Dễ trả lời đúng không nào. Thuận mua vừa bán thôi. Nếu bạn nghĩ mình đáng được cao hơn, hãy nói lý do để được cao hơn, còn bạn chấp nhận làm thì xin mời. Xin việc không khó như bạn nghĩ.
Thứ 3: Cách nâng cao giá trị bản thân là trải nghiệm
Không phải CV, không phải bảng điểm, mà chính sự “trải nghiệm” mới giúp bạn nâng cao giá trị bản thân. Thay vì tập trung vào CV, hãy tập trung vào việc “trải qua” và “chiêm nghiệm”.
Các bạn đang trong thời kỳ trẻ trung, đầy sức sống. Cuộc đời ở giai đoạn này là đẹp nhất, thế nhưng bạn lại bị cuốn vào những lo lắng, những buồn bã, lãng phí thời gian cho những thứ không đáng. Trải nghiệm ở đây là muốn nói tới việc bạn cần suy nghĩ về những điều đã và đang diễn ra xung quanh bạn, những thứ đã đặt dấu ấn trên cuộc đời bạn. Bạn suy nghĩ về điều đó thế nào, bạn học được gì, bạn sẽ làm gì với những điều tương tự như vậy sẽ tới? Rất nhiều điều bạn có thể “nghiệm” ra được nếu chịu khó suy nghĩ.
Bạn học được nhiều hơn những gì bạn nghĩ. Trường học không chỉ là nơi bạn học kiến thức. Đó là một môi trường cơ bản để bạn làm quen với trường đời. Ở đó bạn có các mối quan hệ, có mục tiêu, có áp lực, có những khó khăn, có những sai lầm… bạn được học rất nhiều, thế nhưng bạn có trân trọng quãng thời gian đó? Sai lầm lớn nhất của chúng ta thường là quá để tâm tới điểm số mà quên đi những điều khác. Cuối cùng cầm bảng điểm để làm gì, trong khi nó chẳng được nhà tuyển dụng ngó qua dù chỉ 1 lần. Họ hỏi bạn là “có kinh nghiệm không”, là hỏi bạn có kinh nghiệm sống không, có nhận ra giá trị bản thân không, có quan điểm thế nào về những điều đã diễn ra, có định hướng thế nào cho tương lai. Tất cả những cái đó bạn đã học trong trường đại học rồi mà, sao lại bảo là “chưa có kinh nghiệm”? tại bạn không học hay tại nhà trường không dạy? Bài học không nằm ở trên giấy, mà ở cái bạn trải qua, bạn nghiệm được, cái mà hằn sâu vào cuộc đời bạn đó.
Thứ 4: Sáng tạo công cụ, rèn luyện kỹ năng
Điểm yếu của sinh viên mới ra trường đó là quá trú trọng kiến thức trong sách, nhưng lại rất thiếu kỹ năng thực tế và không có/không biết sử dụng các công cụ. Chúng ta đang tin tưởng và phụ thuộc vào những gì trường đại học dạy, trong khi những điều đó chỉ chiếm một phần trong các yêu cầu làm việc.
Thời đại của công nghệ thông tin, chẳng công ty nào không có máy tính, không sử dụng tin học văn phòng, ấy vậy mà hầu hết ai cũng không coi trọng nó. Chẳng khác nào bạn ăn cơm mà không biết cách dùng đũa vậy. Bạn cứ hình dung đi làm giống như bạn ăn cơm, thì tin học văn phòng, ngoại ngữ nó giống như đũa, thìa, bát vậy. Vấn đề không phải bạn không có, mà là bạn không biết nó quan trọng thế nào, và không chịu dùng nó. Kỹ năng này khá cơ bản và có ích rất nhiều trong công việc, nhưng lại bị coi như thủ tục, để đối phó. Sai lầm thứ hai chính là ở đây. Bạn có biết đến Sếp của cái công ty bạn đang xin việc vẫn phải học thêm Excel không? Họ học để phân tích tình hình kinh doanh, lập kế hoạch tài chính, kiểm soát công việc kế toán, tự động hóa công việc hàng ngày… Chắc bạn chưa nghe tới bao giờ đúng không? Tại sao bạn lại coi thường nó trong khi người giỏi như sếp lại phải căng óc tốn thời gian ra để học nó?
Tin học văn phòng, mà nói cụ thể hơn là Excel không chỉ giúp bạn sử dụng máy tính tốt hơn trong công việc mà còn giúp bạn hình thành tư duy quản lý công việc, sắp xếp và tổ chức công việc, đưa ra báo cáo, kết quả công việc, ngoài ra ra còn có thể giúp bạn xây dựng công cụ của riêng mình phục vụ cho những yêu cầu phức tạp hơn, nhằm tăng hiệu quả công việc. Nghe qua tưởng như rất xa vời, nhưng đây là những tiêu chuẩn đã từ 10 năm trước rồi, mà hiện nay tỷ lệ người đáp ứng được những điều này là không nhiều. Có thể nói khi bạn thành thạo Excel thì cũng là lúc bạn thấy công việc dễ hơn nhiều, xin việc dễ hơn nhiều.
Có thể bạn sẽ thắc mắc rằng phải tốn nhiều thời gian mới làm được điều đó, nhưng bạn có tự hỏi tại sao mình không học điều này ngay khi còn ngồi trên giảng đường đại học? Tại sao đến khi thất nghiệp rồi mới nghĩ tới việc “phải học một cái gì đó để xin việc dễ hơn”, trong khi bạn thừa biết đó là gì từ nhiều năm trước rồi.
Không phải cứ học thật nhiều là tốt, mà cần xác định đúng mục tiêu và nội dung học tập, nếu không thì những kiến thức bạn thu được cũng sẽ vô ích, không được sử dụng. Thời gian và sức lực có hạn, hãy sử dụng nó một cách hiệu quả bạn nhé.
Đôi lời tâm sự gửi tới các bạn nhân dịp năm mới 2018, chúc các bạn có những trải nghiệm thú vị và tìm được công việc phù hợp với năng lực của mình.
Thân!
Dương Mạnh Quân – Giảng viên Học Excel Online