Hẳn các bạn sinh viên năm 1 vẫn chưa quên được cảm giác vui sướng khi nhận được giấy báo đỗ đại học. Niềm vui sướng đó không chỉ đối với riêng bản thân bạn, mà có khi còn là của cả gia tộc, dòng họ. Tôi biết có nhiều gia đình mở tiệc ăn mừng lớn khi có được niềm vui này.
Thế nhưng:
Niềm vui ngắn chẳng tày gang
Bạn ơi bạn có sẵn sàng lắng nghe?
Học xong ra đứng vỉa hè
Hay là bạn muốn thành “chairman” nào?
—
Vâng, nói “chairman” cho có vần thôi, chứ cái đích sau đại học của các bạn chắc cũng không lớn tới như vậy. Hoặc nếu có ai nói rằng mình mơ ước học đại học xong có thể làm “giám đốc”, “CEO” hay vị trí nào tương tự thế thì đều có thể khiến người khác cho rằng bạn đang “ảo tưởng”, trừ khi bố bạn dọn sẵn cho bạn cái ghế đó từ lúc bạn còn mới bước chân vào trường đại học.
Tạm gác lại niềm vui đỗ đại học, tạm quên đi mọi thứ đánh giá của người đời, tôi muốn cùng các bạn tranh luận về chủ đề “đại học”, “ước mơ”, “ảo tưởng”. Ba khái niệm tuy hơi trừu tượng nhưng cũng thật gần gũi, nó nằm trong chính các bạn. Chúng ta cùng trả lời một số câu hỏi sau:
1. Trường đại học mà bạn vừa trúng tuyển đó là ước mơ của bạn hay của người khác?
2. Bạn thấy học đại học có khác gì học cấp phổ thông không?
3. Bạn có nghĩ sau khi ra trường mình sẽ thế nào không? hay nói cách khác là “học đại học để làm gì?”
Ba câu có lẽ là đủ rồi nhỉ. Các bạn hãy nghe tôi trả lời trước nhé:
Câu 1.
Con đường vào đại học của tôi khá gian nan. Năm thứ 1 tôi trượt đại học Kiến trúc Hà Nội. Năm thứ 2 tôi trượt tiếp trường ĐH Giao thông vận tải, đành bước chân vào một trường cao đẳng mà tôi đủ điểm xét tuyển. Khi đó tôi thật sự thất vọng về bản thân mình. Ngôi trường mà tôi vào học hoàn toàn không phải mong muốn của tôi, mà chỉ là tôi không còn nơi nào để đi nữa. Và khi đó, tôi bỗng nhận ra rằng trước kia tôi “ảo tưởng” rất nhiều. Hai trường đại học tôi đăng ký thi, hầu như xuất phát từ việc người lớn chọn cho tôi, còn bản thân tôi rất mơ hồ về nó.
Với đại học kiến trúc, tôi ước mơ trở thành kiến trúc sư, nhưng kiến trúc sư là người thế nào thì tôi không biết, chính xác hơn là không quan tâm.
Với đại học giao thông, tôi thấy mình có thể đỗ được, có thể có được việc làm tốt sau khi ra trường nhờ mối quan hệ của bố mẹ tôi, tôi thậm chí còn không biết trường đó dạy gì, sau này làm công việc gì. Tôi chỉ nghĩ tới hai thứ duy nhất “vào được” và “ra được”.
Hồi đó thi trượt đại học tôi đã rất buồn. Nhưng bây giờ nhìn lại, tôi thấy mình “xứng đáng” phải như vậy. Và một điều may mắn nữa là tôi đã ngưng “ảo tưởng” sau hai lần sảy chân đó.
Hai ranh giới giữa “Ước mơ” và “Ảo tưởng” khi đó thật lẫn lộn. Nếu trước khi tôi thi trượt, có ai đó tới và nói vào mặt tôi rằng “Mày (1) chỉ đang ảo tưởng thôi” thì có lẽ tôi đã nhảy lên và cãi lại rằng “Đấy là ước mơ, không phải ảo tưởng”. Thế thì khi hỏi lại “Mày hiểu ước mơ là gì không? Ảo tưởng là gì không?” thì chắc chắn tôi sẽ cứng họng không trả lời được.
Ước mơ của một học sinh cấp 3 thường là “đỗ đại học”. Bởi vì mỗi ngày bạn đều nghĩ tới việc đỗ đại học, mỗi ngày bạn đều lao động để đạt được điều đó. Bạn học trên lớp, bạn đi ôn luyện, tìm thầy, tìm trung tâm, luyện đề thi, bỏ qua các môn khác chỉ tập trung cho môn bạn thi đại học (thời của tôi là thế, thời của các bạn có thể khác)… bạn làm đủ thứ để tiến tới cái mốc đó. Khi đó bạn đang có “ước mơ”.
Ảo tưởng là “học trường đó xong mình là kiến trúc sư, kỹ sư, bác sỹ…”. Ngay cả việc đỗ vào trường đó không bạn còn chưa biết, vậy mà lại nghĩ xa xôi là “học xong ra trường làm gì đó”. Cái này vượt ngoài khả năng của bạn. Chặng đường đi tới cái đích đó không bao giờ ngắn lại được, dù bạn có cố gắng nghĩ về nó mỗi ngày. Chặng đường đó bị giới hạn bởi 1 cánh cổng, đó là cổng trường đại học. Bạn phải mở được cánh cửa đó trước đã. Khi bạn chưa làm được điều đó, mọi thứ phía sau cánh cổng đều là “ảo tưởng”.
Nhưng nếu có ai đó hỏi vặn lại “nếu tôi muốn trở thành kiến trúc sư, kỹ sư, bác sỹ hay gì đó thì đó vẫn là ước mơ chứ đâu phải ảo tưởng” thì người đó có thể đúng một phần. Bạn hoàn toàn có thể coi đó là ước mơ nếu như bạn không bị giới hạn tâm trí mình vào “cánh cổng”. Bạn có thể chọn một con đường khác xa hơn, dài hơn nhưng không cần vượt qua cánh cổng đại học. Trên con đường đó chỉ có duy nhất 1 đích đến mà bạn gọi là “ước mơ”.
Giữa ước mơ với ảo tưởng, khác nhau ở đích đến.
Đích đến của bạn là cánh cổng, thì việc vượt qua cánh cổng đó là “ước mơ”, phía sau cánh cổng là “ảo tưởng”
Đích đến của bạn là phía sau cánh cổng, thì việc tới đích đó là “ước mơ”, cánh cổng chỉ là một trở ngại, nhưng khi bạn chuyển hướng khác, đích đến của bạn sẽ trở thành “ảo tưởng”, hay những thứ xa hơn đích đó cũng là “ảo tưởng”
Câu 2.
Học đại học tất nhiên phải khác cấp phổ thông rồi. Hỏi câu này có vẻ hơi thừa? Bạn có nghĩ thế không?
Vậy hãy nghĩ xa hơn 1 chút: khác ở điểm nào, kiến thức hay phương pháp học?
Tôi đã từng nghĩ và thấy rằng việc học ở trường đại học so với cấp phổ thông khác biệt lớn nhất là kiến thức, còn phương pháp học vẫn vậy. Nó thể hiện ở:
– Điểm danh ư? Chẳng cần phải gọi tên từng người, chỉ cần bạn vắng mặt thôi là ai cũng biết. Có lẽ giáo viên ở bậc đại học họ quá bận, dạy quá nhiều sinh viên, lớp quá đông… hay do trước giờ họ vẫn sử dụng cách điểm danh nên không bỏ đi truyền thống đó mà thôi.
– Chạy theo điểm số ư? Thay vì bố mẹ bạn lo lắng thì giờ đây bạn phải làm việc đó thôi. Đâu có khác.
– Thầy giảng – trò chép ư? Tìm trường đại học nào, giờ học nào không có việc đó xem, khó hơn lên trời. Cái này nó như “truyền thống” rồi, thay đổi khó lắm.
Vân vân và mây mây.
Mà cái này liên quan gì tới “ước mơ” với cả “ảo tưởng”?
Nó sẽ liên quan đến khi bạn trả lời câu số 3. Cùng xem nhé:
Câu 3.
Đây chính là đích đến của bạn sau khi học xong. Còn câu 2 chính là phương pháp bạn đi tới đich đó. Câu 1 chính là định hướng tư duy của bạn, giúp bạn hiểu rõ các vấn đề ở câu 2 và câu 3.
Bạn không có câu trả lời rõ ràng cho câu 3, thì tức là bạn đang “ảo tưởng”. Đích đến của bạn mơ hồ, và bạn không rõ bạn cách đó bao xa. Điều này thậm chí còn tồi tệ hơn việc bạn “ảo tưởng” về trường đại học khi còn là học sinh trung học. Bởi:
– Ra khỏi trường đại học, bạn đã trải qua 70% cái gọi là “thanh xuân” rồi. Thanh xuân của bạn kéo dài khoảng 7-8 năm, từ 20 tới 27-28 tuổi. Nhưng quãng đường từ 20 tới 23, 24 lại chiếm 70% ý nghĩa của tuổi Thanh xuân, còn 30% còn lại chỉ là bạn cần nhiều thời gian để kiểm nghiệm về nó.
– Khi bạn “ảo tưởng” về đích đến sau khi ra trường, thì bạn sẽ mất khoảng thời gian rất lâu để “ngưng ảo tưởng”. Cuộc đời sẽ không kéo bạn xuống ngay, mà nó diễn ra từ từ, từng ngày và không bao giờ ngừng lại cho đến khi bạn xuống tận “đáy”. Ảo tưởng càng lớn thì đáy càng sâu, cái giá phải trả càng lớn.
Tuy nhiên việc quan tâm tới “thanh xuân” theo tôi là hơi thừa. Kể cả khi bạn nhiều chục tuổi, thì bạn vẫn có thể “ước mơ”, vẫn có khi “ảo tưởng”. Tuổi Thanh xuân chỉ là một giai đoạn trong cuộc đời, nhưng đó là giai đoạn đẹp, trong sáng và nhiều mơ mộng. Những ước mơ của các bạn khi đó rất “trong sạch”, hoặc những “ảo tưởng” của các bạn rất xa vời.
Cách bạn học ở trường đại học thế nào sẽ phản ánh việc bạn sẽ thành người thế nào sau khi ra trường. Cái khái niệm “trong trường”, “sau khi ra trường” thực ra chỉ là một cột mốc trong cuộc đời bạn. Nó giống như cái “thanh xuân” mà tôi nói ở trên.
Trường học chỉ là một thời kỳ, một cột mốc, một cánh cửa. Bạn bước qua cánh cửa này, bạn sẽ hướng tới cánh cửa tiếp theo. Dù muốn hay không thì cũng tới lúc bạn phải tới giai đoạn đó. Điều đọng lại trong cuộc đời bạn không phải là bạn vượt qua bao nhiêu cánh cửa, mà là bạn đã làm gì để mở được cánh cửa đó.
Cầm tấm bằng đại học sau khi ra trường, điều này không chứng minh được bạn đã làm gì để mở cánh cửa sau đại học, mà là “Bạn đã học như thế nào trong trường đại học”.
Nếu phương pháp học tập của bạn không khác gì với trung học, ví dụ như:
– Phụ thuộc vào giáo viên trên lớp
– Tin mọi thứ được nghe
– Không tranh luận, chỉ tiếp thu một chiều
– Quá quan tâm tới điểm số
….
Nếu vậy, bạn chẳng khác gì học sinh trung học. Thậm chí bạn còn không phải là sinh viên đại học theo đúng tiêu chuẩn. Sai phương pháp dẫn tới việc biến bạn đáng ra là “Sinh viên” thì lại trở thành “học sinh” đang ngồi nhầm lớp.
Khi đọc bài viết “Nếu có thể tự học ở bên ngoài thì có cần phải học đại học” của tác giả Huskywannafly, tôi luôn nghĩ tới một quan điểm, đó là: đại học là môi trường giúp bạn rèn luyện tính tự học, để khi ra trường bạn quen với điều đó, áp dụng điều đó vào cuộc sống sau này của bạn. Bởi vậy trường học luôn được hiểu đúng khái niệm là nền tảng cho bạn, chứ không phải là thứ duy nhất. Bạn có thể tạo dựng nền tảng từ nhiều nơi, nhiều cách khác nhau, trường học – hay cụ thể hơn là đại học, chỉ là một nơi giúp bạn tạo dựng nền tảng mà thôi.
Điểm khác biệt lớn nhất về phương pháp học giữa bậc “đại học” với “trung học”, theo tôi đó là tính tự học. Tự học thể hiện ở việc:
– Giáo viên không giải thích quá kỹ, mà hầu hết là nêu ra vấn đề, còn bạn phải tự tìm câu trả lời.
– Điểm số không quá cao. Có những thứ bạn nghĩ bạn đúng, nhưng giáo viên cho điểm không cao. Không hẳn là họ thù ghét gì bạn, có khi chỉ là sự khác nhau về mặt “quan điểm”, “góc nhìn”.
– Cách suy nghĩ ở trung học, thường chỉ xoay quanh việc học thuộc lòng. Nó giúp bạn trả lời câu hỏi “Ai”, “Cái gì”, “Khi nào”, “Ở đâu”. Còn ở bậc đại học, bạn phải tự học để trả lời câu hỏi “Tại sao”, “Làm thế nào”. Bạn trả lời cho chính bạn hiểu, sau đó mới trình bày cho người khác hiểu. Mỗi vấn đề trong cuộc sống đều xoay quanh những câu hỏi này. Môi trường đại học giúp bạn luyện tập cách suy nghĩ đó, trải nghiệm nó, làm thử, phản biện, thay đổi góc nhìn… Có như vậy khi đối mặt với những vấn đề phức tạp hơn trong cuộc sống thì bạn mới biết cách giải quyết.
Ước mơ của bạn khi ra trường là gì? Tự tin giải quyết bất kỳ vấn đề nào trong công việc, cuộc sống, hay chỉ là có tấm bằng tốt?
Nếu bạn mong có tấm bằng tốt, thì bạn đang ảo tưởng rồi. Mỗi năm trường bạn cho ra đời bao nhiêu sinh viên? Bao nhiêu trong số đó có bằng tốt giống bạn, thậm chí hơn bạn? Bao nhiêu nơi tuyển dụng đòi hỏi bằng cấp đó? Người tuyển dụng đòi hỏi gì ngoài tấm bằng? Người trưởng thành là người có bằng cấp tốt hay có khả năng giải quyết tốt các vấn đề trong cuộc sống? Bạn có bao giờ trả lời những câu hỏi đó không?
Đích đến khi ra khỏi trường đại học là bạn bước vào cánh cổng của Trường đời. Trường đời cần người có bản lĩnh và kỹ năng, chứ không cần điểm số. Bạn sẽ mở được cánh cổng trường đời nếu bạn rèn luyện được bản lĩnh và kỹ năng khi học trong trường đại học, còn nếu không, bạn vẫn sẽ không mở được cánh cổng đó dù có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi.
…
Người ta thường nói “Người trẻ, các bạn hãy ước mơ đi“, cũng có người nói “Các bạn hãy ngưng ảo tưởng đi“. Qua bài viết này tôi muốn nói với các bạn:
– Hãy biết điều gì là ước mơ, điều gì là ảo tưởng. Hãy theo đuổi ước mơ và chứng minh rằng bạn không ảo tưởng.
– Ai cũng có ước mơ, ai cũng có ảo tưởng. Ước mơ và ảo tưởng thực chất là một. Đó chính là kết quả của hành động mà bạn làm mỗi ngày. Bạn chỉ nghĩ về nó mà không làm gì tiến gần tới đích đó, thì đó là ẢO TƯỞNG. Bạn hành động, bạn kiên trì và nỗ lực, không ngừng nghĩ và làm để hướng tới điều đó, thì đó là ƯỚC MƠ.
– Ước mơ hầu hết sẽ trở thành hiện thực. Ảo tưởng thì không bao giờ. Thời gian của mỗi người là hữu hạn. Bạn muốn sống với ước mơ hay ảo tưởng?
Hết.
—————–
(1) xin phép dùng từ “mày”, vì bản chất cuộc đời là khi đối mặt với người khác, sẽ chỉ có “Mày” và “Tao”, mà tiếng anh gọi là You – I, ở đây không có ý dùng ngôn từ xúc phạm, mà chỉ có ý dùng ngôn từ chân thật nhất có thể)