Hướng dẫn các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm không cần điều chỉnh năm 2019

Học Excel Online có nhận được câu hỏi từ bạn hoangtung97, một học viên của khóa Kế toán tổng hợp từ A đến Z như sau: Chào thầy cô, em muốn biết là sau khi kết thúc kỳ kế toán năm, những trường hợp phát sinh nào không thể khiến kế toán phải điều chỉnh lại báo cáo tài chính ạ? Đây là một câu hỏi thú vị. Trong bài viết này, HEO xin được cung cấp cho bạn các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm không cần điều chỉnh.

Đây là một chủ đề phức tạp đã được quy định trong Quyết định số 12/2005/QĐ-BTC. Trong đó, các bạn đọc kỹ chuẩn mực kế toán Việt Nam số 23 được ghi như sau: “Mục đích của chuẩn mực này là quy định và hướng dẫn các trường hợp doanh nghiệp phải điều chỉnh báo cáo tài chính, các nguyên tắc và phương pháp điều chỉnh báo cáo tài chính khi có những sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm; giải trình về ngày phát hành báo cáo tài chính và các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm.”

Khái niệm

Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm không cần điều chỉnh: Là những sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cung cấp bằng chứng về các sự việc đã tồn tại trong năm tài chính nhưng không phải điều chỉnh trước khi lập báo cáo tài chính.

Ghi nhận và xác định

  • Doanh nghiệp không phải điều chỉnh các số liệu đã ghi nhận trong báo cáo tài chính về các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm không cần điều chỉnh.
  • Ví dụ về các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm không cần điều chỉnh như: Việc giảm giá trị thị trường của các khoản đầu tư vốn góp liên doanh, các khoản đầu tư vào công ty liên kết trong khoảng thời gian từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm đến ngày phát hành báo cáo tài chính. Sự giảm giá trị thị trường của các khoản đầu tư thường không liên quan đến giá trị các khoản đầu tư vào ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Doanh nghiệp không phải điều chỉnh số liệu đã được ghi nhận trong Bảng cân đối kế toán đối với các khoản đầu tư, tuy nhiên có thể bổ sung giải trình theo quy định tại đoạn 19.
  • Nếu cổ tức của cổ đông được công bố sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm, doanh nghiệp không phải ghi nhận các khoản cổ tức này như là các khoản nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán tại ngày kết thúc kỳ kế toán năm.
  • Nếu cổ tức được công bố sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm nhưng trước ngày phát hành báo cáo tài chính, thì khoản cổ tức này không phải ghi nhận là nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán mà được trình bày trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính theo quy định tại Chuẩn mực kế toán số 21 “Trình bày báo cáo tài chính”.
  • Nếu Ban Giám đốc xác nhận sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm có dự kiến giải thể doanh nghiệp, ngừng sản xuất kinh doanh, thu hẹp đáng kể quy mô hoạt động hoặc phá sản thì doanh nghiệp không được lập báo cáo tài chính trên cơ sở nguyên tắc hoạt động liên tục.
  • Nếu kết quả kinh doanh bị giảm sút và tình hình tài chính xấu đi sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm thì phải xem xét nguyên tắc hoạt động liên tục có còn phù hợp để lập báo cáo tài chính hay không. Nếu nguyên tắc hoạt động liên tục không còn phù hợp để lập báo cáo tài chính nữa thì doanh nghiệp phải thay đổi căn bản cơ sở kế toán chứ không phải chỉ điều chỉnh số liệu đã ghi nhận theo cơ sở kế toán ban đầu.
  • Chuẩn mực kế toán số 21 “Trình bày báo cáo tài chính” quy định phải giải trình trong trường hợp:
    • Báo cáo tài chính không được lập trên cơ sở nguyên tắc hoạt động liên tục.
    • Ban Giám đốc nhận thấy có vấn đề không chắc chắn trọng yếu liên quan đến các sự kiện hoặc điều kiện dẫn đến những nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp. Những sự kiện hoặc điều kiện quy định phải giải trình này có thể phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm.
  • Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm không cần điều chỉnh cần phải trình bày trên báo cáo tài chính, như:(a) Việc hợp nhất kinh doanh theo quy định của Chuẩn mực kế toán “Hợp nhất kinh doanh” hoặc việc thanh lý công ty con của tập đoàn;(b) Việc công bố kế hoạch ngừng hoạt động, việc thanh lý tài sản hoặc thanh toán các khoản nợ liên quan đến ngừng hoạt động; hoặc việc tham gia vào một hợp đồng ràng buộc để bán tài sản hoặc thanh toán các khoản nợ;

    (c) Mua sắm hoặc thanh lý tài sản có giá trị lớn;

    (d) Nhà xưởng sản xuất bị phá hủy vì hỏa hoạn, bão lụt;

    (e) Thực hiện tái cơ cấu chủ yếu;

    (f) Các giao dịch chủ yếu và tiềm năng của cổ phiếu thường;

    (g) Thay đổi bất thường, quan trọng về giá bán tài sản hoặc tỷ giá hối đoái.

    (h) Thay đổi về thuế có ảnh hưởng quan trọng đến tài sản, nợ thuế hiện hành hoặc thuế hoãn lại;

    (i) Tham gia những cam kết, thỏa thuận quan trọng hoặc những khoản nợ tiềm tàng;

    (j) Xuất hiện những vụ kiện tụng lớn.

Chúc các bạn học vui với Học Excel Online!

Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết cùng chủ đề:

Hướng dẫn lập báo cáo tài chính năm

Dù đã có phần mềm, nhưng kỹ năng Excel vẫn cực kỳ quan trọng với kế toán, bạn đã vững Excel chưa? Hãy để tôi giúp bạn, đăng ký khoá học Excel:

Hướng dẫn lập báo cáo tài chính giữa niên độ