Một Chỉ số (Metrix), được gọi là “The One Metric That Matters – OMTM”, là chỉ số được đánh giá là quan trọng trong việc đo lường kết quả hoạt động của Doanh nghiệp Khởi nghiệp (Startup). Con số đo lường này được thể hiện bằng số đơn, có thể là số trung bình doanh thu mỗi tháng mỗi nhân viên, trung bình thời gian sử dụng dịch vụ mỗi khách hàng. Với trường hợp một Startup vận hành báo điện tử, OMTM có thể là số lượng người dùng truy cập mỗi tháng. Nó quan trọng bởi nó là con số mà doanh nghiệp quan tâm nhất, nó là chỉ số có tính đại diện của Startup khi có thể phản ánh đúng thực trạng hoạt động hiện tại, cũng như dự kiến được kết quả phát triển trong tương lai. Trước tiên, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tổng quan về OMTM, sau đó sẽ tìm hiểu xem các tiêu chí quyết định một chỉ số OMTM tốt, từ đó Startup có thể lựa chọn và xây dựng chỉ số phù hợp trong quá trình phát triển của mình.
Sự cần thiết thực hiện Phân tích (Analytics) trong Startup
Analytics được thiết kế để theo dõi và đánh giá các chỉ số quan trọng đối với doanh nghiệp. Thông thường, những chỉ số này quan trọng bởi vì chúng có liên quan đến mô hình kinh doanh của doanh nghiệp (Business model) trong đó thể hiện các số liệu và thông tin về nguồn tiền từ đâu, chi phí vận hành bao nhiêu, số lượng khách hàng và hiệu quả của chiến lược thu hút khách hàng.
Với Startup, không phải lúc nào cũng xác định được số liệu nào thực sự là quan trọng, bởi vì doanh nghiệp đang mới phát triển và rất linh hoạt trong việc xác định định mình đang ở trong lĩnh vực kinh doanh. Với mỗi thay đổi của một kế hoạch kinh doanh, ta cần thiết kế và thay đổi lại hoạt động phân tích. Đó là điều bình thường khi Startup vẫn đang nỗ lực xác định đúng sản phẩm và đối tượng mục tiêu phù hợp nhất. Có lẽ với Startup, mục đích cuối cùng của phân tích là tìm đường đến đúng sản phẩm và thị trường phù hợp nhất, trước khi không còn ngân sách để làm việc đó.
Một doanh nghiệp có rất nhiều các chỉ sốđánh giá liên quan, nhưng đâu là chỉ số trọng tâm và ưu tiên nhất, đó phải là chỉ sốđể đo lường đánh giá và qua đó định hướng sự phát triển của doanh nghiệp.
Ý nghĩa của OMTM
Phân tích tinh gọn (Lean Analytics) chính là một khái niệm kết hợp khi đồng thời thực hiện việc Phân tích (Analystics) và Khởi nghiệp tinh gọn (Lean Startup). Lean Startup là học thuyết hay phương pháp được xây dựng giúp Startup xây dựng kế hoạch phát triển kinh doanh và cấu trúc doanh nghiệp nên thực hiện trong một giai đoạn xác định. Lean Analytics là học thuyết hay phương pháp về việc sử dụng việc Phân tích (Analytics) dữ liệu hoạt động của một Lean Startup, để đo lường sự phát triển của Startup đó. Nhờ đó Startup tìm ra được câu hỏi hay vấn đề quan trọng nhất trong sự phát triển của mình và đồng thời tìm được câu trả lời rõ ràng một cách nhanh chóng.
Cụ thể để đạt được kêt quả đó, Lean Analytics sử dụng công cụ đo lường có tên gọi là Chỉ số quan trọng (OMTM), một công cụ quan trọng để đơn giản hóa bản chất phức tạp của việc phân tích và nhằm xây dựng một Startup hướng tới thành công bằng việc tập trung phát triển vào những điều thiết yếu nhất. Các dữ liệu doanh nghiệp thu thập được đều là hữu ích vì một lý do nào đó; nhưng nếu không xác định được dữ liệu nào mới là thiết yếu, Startup sẽ đi sai hướng và dẫn đến thất bại. Đó là lý do tại sao doanh nghiệp nên tìm ra hay quyết định được đâu là một chỉ số đơn quan trọng nhất cho giai đoạn phát triển của mình, đó là một chỉ số đơn mà ta muốn toàn bộ công ty tập trung thực hiện và cải thiện.
Vậy điều gì tạo nên một chỉ số OMTM tốt?
Dưới đây là một số tiêu chí cơ bản tạo nên một OMTM tốt và các tiêu chí này sẽ dẫn dắt Startup trong quá trình phát triển.
Một chỉ số tốt là chỉ số có thể so sánh được. Việc có thể so sánh số liệu với các khoảng thời gian khác, với nhóm người dùng hoặc đối thủ cạnh tranh khác giúp doanh nghiệp hiểu được mọi thứ đang chuyển động như thế nào. Ví dụ “Tăng so với tuần trước” có ý nghĩa hơn “Tăng 2%”.
Một chỉ số tốt cần dễ hiểu. Nếu mọi người không thể nhớ nó và thảo luận về nó, thật khó để biến một thay đổi trong dữ liệu thành một sự thay đổi trong doanh nghiệp.
Chỉ số tốt nên là tỷ suất hoặc chỉ số. Các nhà phân tích tài chính sử dụng một số chỉ số để đánh giá tính kinh tế để hiểu tổng quan và cơ bản về tình hình công ty. Startup khi phân tích cũng cần áp dụng các tỷ lệ này ví dụ như tỷ suất lợi nhuận cận biên, tỷ suất sinh lợi trên tài sản…
Một số liệu tốt thay đổi cách doanh nghiệp hoạt động. Đây là tiêu chí quan trọng nhất: doanh nghiệp sẽ phản ứng và hành động ra sao dựa trên những thay đổi về chỉ số?
Chỉ số “Kế toán” như doanh thu bán hàng hàng ngày, được ghi nhận vào trong dữ liệu doanh nghiệp, tạo nên chuỗi dữ liệu lịch sử mà qua đó giúp doanh nghiệp dự đoán tình hình hoạt động trong tương lai. Những số liệu này tạo thành cơ sở cho sự phát triển của Lean Startup, doanh nghiệp sẽ xác định được mức độ phù hợp với một mô hình kinh doanh lý tưởng và đánh giá được liệu kết quả thực tế hoat động có phù hợp với kế hoạch kinh doanh hay không.
Chỉ số “Thử nghiệm”, là kết quả của việc thử nghiệm, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa sản phẩm, giá cả hoặc thị trường. Những thay đổi trong các chỉ số này sẽ thay đổi đáng kể hành vi của doanh nghiệp. Doanh nghiệp qua đó có thể quyết định về những việc cần thay đổi trước khi tiến hành thu thập dữ liệu: nếu trang web màu hồng tạo ra nhiều doanh thu hơn màu khác, ta sẽ dùng màu hồng; nếu hơn một nửa số người trả lời khảo sát cho biết họ sẽ không trả tiền cho một đặc tính sản phẩm, vậy ta sẽ không xây dựng nó; nếu Sản phẩm khả thi tối thiểu (Minimum Viable Product – MVP: là loại sản phẩm với những tính năng cơ bản nhất có thể được hoàn thành) thực tế không giúp tăng kích thước đơn đặt hàng lên 30%, ta cần thay đổi theo một cách khác.